Sáng 7/6, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam tổ chức tọa đàm về Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Trong đó, nội dung được quan tâm nhiều nhất là quy định xử phạt công ty du lịch để khách trốn lại nước ngoài hoặc Việt Nam, với mức 80 đến 90 triệu đồng, kèm tước giấy phép kinh doanh lữ hành 12-18 tháng.
Đại diện các công ty du lịch cho rằng hành vi bị xử phạt theo nghị định chưa rõ ràng khi không đề cập đến các yếu tố khách quan và chủ quan, động cơ của khách hay trách nhiệm của doanh nghiệp du lịch trong các trường hợp khách bỏ trốn.
"Nếu công ty du lịch cố ý để khách bỏ trốn thì mức phạt này là nhẹ, còn trong trường hợp vô tình thì mức phạt lại quá nặng khi tước giấy phép lữ hành", ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Transviet, nói.
Nhiều công ty du lịch trong nước, kể cả hãng lữ hành lớn, đã hơn một lần gặp phải khách đăng ký tour nhưng trốn giữa hành trình. Là giám đốc Công ty Du lịch Việt, ông Trần Văn Long kể dù kiểm tra hồ sơ khách kỹ đến mấy, đơn vị cũng khó tránh những trường hợp này.
"Tôi nhớ nhất một khách 65 tuổi đăng ký tour châu Âu nhưng trốn ở lại Đức, khiến công ty từng bị Đại sứ quán Pháp dừng cấp visa 4 năm. Hồ sơ visa cho thấy khách có điều kiện kinh tế tốt, gia đình ổn định, nhưng khi điều tra mới biết người này trốn lại để ở cùng con gái và chăm cháu", ông Long nhớ lại.
Đại diện công ty Kim Liên Travel cũng cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của công ty du lịch trước khi ra mức xử phạt, do những người muốn bỏ trốn có nhiều thủ đoạn tinh vi.
"Hướng dẫn viên chỉ quản lý đoàn đến 22h, khi các thành viên nhận phòng khách sạn. Công ty từng gặp trường hợp khách bỏ đi lúc nửa đêm trong chuyến du lịch Hàn Quốc và được camera khách sạn ghi lại", đại diện công ty cho biết. Theo kinh nghiệm của đơn vị này, việc cần làm ngay khi các hãng lữ hành gặp sự cố là báo cáo các cơ quan chức năng sở tại để phối hợp tìm kiếm, điều tra.
Một số nội dung khác của nghị định còn khiến các công ty du lịch băn khoăn như phạt khi không phổ biến, hướng dẫn khách tuân phủ pháp luật và ứng xử văn minh tại điểm đến; không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi sự cố xảy ra; không kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của khách du lịch...
Theo đó, những người làm du lịch hiện chưa rõ cần phổ biến pháp luật chi tiết đến mức nào cho khách; cơ quan có thẩm quyền là ai và địa chỉ liên lạc ra sao; thế nào là kịp thời khi giải quyết kiến nghị của khách... nhất là sự cố xảy ra vào nửa đêm.
Các ý kiến đóng góp, thắc mắc tại tọa đàm sẽ được Hiệp hội Lữ hành Việt Nam tổng hợp và gửi đến Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trong thời gian tới.