Theo đề án Thu phí khai thác và Sử dụng tài liệu đất đai đang được lấy ý kiến, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai, trực thuộc Cục Đăng ký và Dữ liệu Thông tin đất đai, mỗi năm được giữ lại 70% số tiền thu về từ việc cung cấp thông tin qua hệ thống thông tin đất đai quốc gia. 30% còn lại nộp ngân sách nhà nước. Theo dự toán, mỗi năm Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai sẽ giữ lại hơn 3 tỷ đồng.
Đối với địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh thành sẽ đề xuất và HĐND cấp tỉnh quyết định theo quy định của Luật phí, lệ phí.
Lý giải về đề xuất giữ lại tiền, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết cần kinh phí chi cho cán bộ Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai, những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin. Đơn vị này đang tự chủ tài chính, chưa được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động.
Trong số tiền giữ lại, dự kiến 47% sẽ chi cho 12 kỹ sư, kỹ thuật viên trực tiếp thực hiện việc cung cấp thông tin và quản trị, duy trì hệ thống. Hơn 50% còn lại chi cho văn phòng phẩm, tu sửa, mua sắm vật, chi phí chung.
Bộ Tài nguyên và Môi trường dự tính mỗi năm ở trung ương sẽ thu khoảng 5 tỷ đồng từ việc cung cấp 6 loại thông tin về đất đai. Trong đó, cơ sở dữ liệu địa chính là loại thông tin dự kiến thu về nhiều nhất, hơn 2,7 tỷ đồng. Hiện phí dịch vụ cung cấp thông tin thửa đất là 45.000 đồng; lịch sử biến động 25.000 đồng; bản đồ địa chính 250.000 đồng.
Các trường thông tin như Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá đất đai (điều tra chất lượng, tiềm năng, thoái hóa đất); Tài liệu tổng hợp khác liên quan đến đất đai mỗi năm thu về 500-600 triệu đồng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa vào sử dụng bốn khối dữ liệu đất đai do Trung ương quản lý gồm: Thống kê, kiểm kê đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; điều tra, đánh giá đất đai. Từ nay đến năm 2025, Bộ sẽ hoàn thiện dữ liệu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Tại địa phương, đến nay đã có 455/705 đơn vị cấp huyện hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính với hơn 43 triệu thửa đất và đưa vào vận hành; 300 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất.