Cho rằng giáo dục đại học đang loạn với việc mở trường tràn lan, một số nơi cơ sở vật chất không có, địa điểm phải đi thuê, giáo viên thiếu, PGS Văn Như Cương đề nghị đã đến lúc nhà nước cần rà soát lại.
Ông phân tích, các trường dân lập mở ngành đa số dựa trên tiêu chí tốn ít tiền đầu tư như tiếng Anh, Du lịch... Nếu như trường nào cũng mở thì tạo nên sự quá tải, và thiếu thí sinh là chuyện đương nhiên.
Mặt khác, chất lượng một số trường dân lập chưa đảm bảo thể hiện ở việc ghi tên giáo sư, tiến sĩ vào danh sách gíảng viên của trường nhưng thực chất có rất ít người đến dạy. Số người dạy không đủ theo quy định cũng làm cho chất lượng đào tạo xuống thấp. Đây chính là nguyên nhân thí sinh không mặn mà với trường và dù trên điểm sàn nhưng các em vẫn không lựa chọn.
Trong buổi thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011-2012 tại kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, mấy năm qua hàng loạt trường được mở mới, nâng cấp lên đại học nhưng chất lượng đào tạo một số trường chưa đảm bảo, gây bức xúc trong nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) chia sẻ, hiện có nhiều trường đại học điểm đầu vào quá thấp, các trường cao đẳng, trung cấp thì tìm mọi cách lôi kéo học viên. Trong khi đó, nhu cầu dự báo và phân luồng của cơ quan chức năng rất yếu.
"Việc thu hút thí sinh bằng mọi cách cộng với định hướng ngành nghề cho học sinh chưa tốt, nhất là khu vực nông thôn, miền núi sẽ làm chất lượng đào tạo giảm, lãng phí thời gian và tiền của của gia đình, xã hội. Chính phủ cần tập trung rà soát, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo, tăng cường khả năng dự báo, định hướng phân luồng cho học sinh", ông Phúc đề xuất.
Hàng loạt trường đại học mở ra với chất lượng không đảm bảo nên không thu hút được thí sinh là chuyện tất yếu. Ảnh minh họa: Hoàng Thùy. |
Đại biểu Thích Chơn Thiện (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, Quốc hội cần sớm xây dựng Luật giáo dục đại học và đẩy nhanh tiến độ kiểm định chất lượng các trường. Kết quả kiểm định phải công khai, làm cơ sở phân loại chất lượng, từ đó giải thể hoặc hạ cấp với trường vi phạm quy định, không thực hiện đúng cam kết thành lập, chất lượng kém.
Đại biểu Thiện cũng góp ý, đoàn giám sát giáo dục đại học của Thường vụ Quốc hội cần đề nghị Chính phủ đổi mới căn bản và toàn diện quản lý giáo dục đại học, từng bước giao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn cho các trường. "Bộ GD&ĐT phải làm đúng chức năng quản lý nhà nước của mình, không nên làm thay công việc của các trường đại học, cao đẳng", đại biểu Thiện nói.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cũng thừa nhận, trình độ nhân lực Việt Nam đang bị lệch pha, có quá nhiều trường đại học mà cao đẳng, trung cấp lại rất ít. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo một số trường đại học hiện nay chưa tốt nên cả học sinh và phụ huynh đều không hào hứng.
Thứ trưởng cho biết, Bộ đang điều chỉnh quyết định 121 của Thủ tướng về quy hoạch mạng lưới các trường đại học. Nguyên tắc dựa trên quy hoạch nguồn nhân lực cả nước ở tất cả ngành nghề, địa phương, lĩnh vực, từ đó điều chỉnh hệ thống các trường đại học cho phù hợp sao cho người đào tạo ra không dư thừa, đáp ứng nhu cầu nhân lực.
Giải thích về việc hàng loạt ngành đóng cửa do không tuyển được thí sinh, Thứ trưởng Ga cho rằng đây là bất cập trong việc chọn ngành nghề của học sinh. Theo ông, đa số em đều chọn ngành dễ tìm được việc hơn là ngành mà xã hội đang cần. Ví như khối xã hội có rất ít thí sinh, nhưng Kinh tế, Quản lý, Tài chính - Ngân hàng lại rất nhiều. Theo thống kê mà Bộ Giáo dục thì sự chênh lệch giữa hai nhóm ngành này gần 1,8 lần.
"Sắp tới Bộ sẽ nghiên cứu cơ chế để thu hút thí sinh vào học ngành mà xã hội có nhu cầu thông qua cơ chế tuyển sinh, học bổng, học phí... Việc mở trường cũng được siết chặt thông qua quy định về diện tích, giảng viên, cơ sở vật chất...".
Hoàng Thùy