Theo Hội lương thực thực phẩm thành phố, kiến nghị này xuất phát từ việc, những xét nghiệm mới nhất cho thấy, hầu hết các mẫu nước mắm trên thị trường, kể cả loại cao cấp, đều có chứa urê. Trong khi đó, tiêu chuẩn cũ của Tổng cục đo lường chất lượng Việt Nam quy định, urê là hóa chất bị cấm "xuất hiện" trong nước mắm.
![]() |
Nước mắm độ đạm cao dễ khiến người tiêu dùng nghi ngờ có urê. Ảnh: Thiên Chương. |
Giải thích nguyên nhân xuất hiện urê, Trung tâm kiểm nghiệm 3 (TP HCM) cho rằng, ngoài việc người sản xuất cho urê vào cá (nguyên liệu làm nước mắm) để chống ươn hoặc cho trực tiếp vào nước mắm để tăng nồng độ đạm, còn một nguyên nhân khác là bản thân cá tự sinh ra trong quá trình chế biến (urê nội sinh).
Đại diện Tổng cục đo lường chất lượng, ông Nguyễn Văn Xuân, Trưởng phòng Tiêu chuẩn 4 về nông sản thực phẩm ghi nhận: "Chúng tôi sẽ lấy mẫu nước mắm 15, 20, 25 độ đạm của các cơ sở khác nhau để kiểm tra lại và sẽ sớm đưa ra chuẩn urê phù hợp".
Tuy nhiên theo ông Xuân, cần có thời gian để Tổng cục thử nghiệm xem hàm lượng urê trong cá là bao nhiêu, sau đó mới có thể định mức urê cho phép, chứ không thể căn cứ vào số liệu mà Hội lương thực kiến nghị.
Trong buổi hội thảo ngày 11/8, ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho rằng, việc đưa urê vào danh sách cấm trong nước mắm là không sai, vì thực tế không ít nhà sản xuất đã cho urê vào cá và nước mắm để trục lợi. Tuy nhiên, khi các xét nghiệm cho thấy bản thân cá có chứa urê, Tổng cục nên xem xét lại hàm lượng urê cho phép để giúp người tiêu dùng yên tâm. Cũng trong buổi hội thảo, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 cho biết, khả năng gây độc của urê không cao, ước tính, khoảng 500 gram mới có thể làm chết một người nặng 60 kg. |
Thiên Chương