Ngày 5/8, vụ kiện đòi bồi thường tổn thất về danh dự, tài sản giữa nguyên đơn Nguyễn Hoàng Anh Tuấn (36 tuổi, nghiên cứu sinh ngành Văn hóa học) với bị đơn là ông Võ Văn Sen (Hiệu trưởng ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM) và Huỳnh Thành Đạt (Giám đốc ĐHQG TP HCM) được TAND quận 1 đưa ra xét xử sau hai năm thụ lý.
Ông Tuấn là nghiên cứu sinh khóa học 2011 tại trường Khoa học xã hội và nhân văn, đã hai lần bảo vệ luận án cấp đơn vị chuyên môn theo quyết định của Hiệu trưởng. Đề tài luận án là Ả đào trong văn hóa Việt Nam.
Ngày 9/1/2018, ông Tuấn bảo vệ luận án, trả lời các câu hỏi của Hội đồng cấp đơn vị chuyên môn lần hai. 6 thành viên Hội đồng bỏ phiếu kín và thống nhất cử đại diện Chủ tịch Hội đồng Trần Ngọc Thêm tuyên bố quyết nghị: Hội đồng nhất trí áp dụng quyết định thông qua có điều kiện nghiên cứu sinh phải chỉnh sửa luận án. Sau khi chỉnh sửa phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên...
Ông Tuấn cho rằng, quyết định này khiến ông hiểu là luận án của mình được thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa. Đặc biệt, đối với 3/6 thành viên của Hội đồng gồm ông Trương Văn Minh, bà Phan Thị Bích Hà, ông Nguyễn Ngọc Quận bỏ phiếu không thông qua đã cho ông một điều kiện trong tương lai "nếu sửa và nộp lại luận án thì sẽ đồng ý".
Tuy nhiên, ông Tuấn sau đó lại nhận được thông báo của Phòng Giáo vụ với nội dung phải "bảo vệ lại". Ngày 9/4/2018, ông Tuấn nộp luận án đã chỉnh sửa theo yêu cầu và đề nghị các thành viên Hội đồng thông qua. Nhưng hiệu trưởng cho rằng "lời nói của Chủ tịch hội đồng khiến nghiên cứu sinh hiểu nhầm", đồng thời ông Minh, ông Quận, bà Hà không đồng ý chấm lại và thông qua luận án.
Ông Tuấn khiếu nại lên Hiệu trưởng Võ Văn Sen và Giám đốc ĐHQG TP HCM Huỳnh Thành Đạt. Các khiếu nại của ông sau đó bị bác.
Tháng 10/2018, ông Tuấn khởi kiện các bị đơn ra tòa, cho rằng lãnh đạo nhà trường và các thành viên Hội đồng chuyên môn đã không bình đẳng trung thực, phân biệt đối với nghiên cứu sinh, không thực hiện đúng cam kết như quyết nghị đã công bố. Việc này gây thiệt hại cho ông về thời gian, công sức, thu nhập bị mất...
Nguyên đơn yêu cầu tòa tuyên bố 3 thành viên không thông qua luận án của ông đã vi phạm nguyên tắc dân sự; tuyên bố ông Đạt và ông Sen xác minh khiếu nại không khách quan; đồng thời buộc ĐH Khoa học xã hội và nhân văn bồi thường hơn 54 triệu đồng do mất thu nhập; thiệt hại danh dự, tinh thần...
Các đồng bị đơn sau đó cũng phản tố, yêu cầu tòa tuyên bố ông Tuấn đã có những hành vi xúc phạm danh dự làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân lãnh đạo nhà trường và những người liên quan, buộc nguyên đơn phải chấm dứt những hành vi này; đồng thời buộc ông Tuấn bồi thường tổng cộng hơn 44,7 triệu đồng bù đắp tổn thất tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
Quá trình xét xử các bên vẫn giữ nguyên quan điểm.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ và các chứng cứ, HĐXX bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, chấp nhận phản tố của bị đơn.
Toà cho rằng, các chứng cứ ông Tuấn nộp để chứng minh thu nhập bị mất do phải theo đuổi vụ kiện kéo dài là không có căn cứ chấp nhận, bởi những hợp đồng lao động này đã đương nhiên chấm dứt vào năm 2017.
Về việc nguyên đơn cho rằng các thành viên Hội đồng chuyên môn vi phạm nguyên tắc thỏa thuận trong dân sự, toà đánh giá, Hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia đầu ngành, được thành lập đúng thành phần theo quy định pháp luật và diễn ra đúng trình tự. Việc đánh giá chuyên môn của thành viên Hội đồng chuyên môn không nằm trong phạm vi giải quyết của tòa.
Xác định ông Tuấn đã có nhiều đơn từ với lời lẽ không tôn trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân lãnh đạo nhà trường và các thành viên hội đồng chuyên môn, HĐXX buộc nguyên đơn chấm dứt hành vi xúc phạm danh dự làm ảnh hưởng đến uy tín các bị đơn.
Toà cũng buộc ông Tuấn bồi thường tổng cộng 44,7 triệu đồng tổn thất tinh thần cho các thành viên Hội đồng chuyên môn.
Hải Duyên