![Đoạn đê biển tại xã Vân Khánh Tây bị sạt lở. Ảnh: Nguyễn Vũ](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/08/03/DE-BIEN-KIEN-GIANG-6406-1596435267.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lVaxQFTHHppqaDA3L_VkKA)
Đoạn đê biển tại xã Vân Khánh Tây bị sạt lở. Ảnh: Nguyễn Vũ.
Đoạn đê biển tại khu vực vàm Tiểu Dừa (giáp Cà Mau) thuộc xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh bị sạt lở do mưa lớn kéo dài kết hợp triều cường từ 30/7 đến 1/8.
UBND Kiên Giang hôm qua giao ngành nông nghiệp cùng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn khắc phục tạm thời đoạn đê biển bị sạt lở; đồng thời phối hợp với các Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu, đề xuất nguồn kinh phí xử lý khẩn cấp.
UBND huyện An Minh tuyên truyền, phổ biến tình trạng nguy hiểm tại khu vực sạt lở, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân.
Đê biển Tây ở Kiên Giang từ thị xã Hà Tiên đến huyện An Minh dài hơn 200 km, bảo vệ hàng trăm nghìn ha đất sản xuất lúa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản cũng như cuộc sống của nhiều người dân.
![Bộ đội được huy động khẩn cấp gia cố đê biển ở huyện An Minh bị sạt lở. Ảnh: Nguyễn Vũ](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/08/03/GIA-CO-DE-9338-1596435267.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=F43mNj5TTDj3Jh20gDgZRA)
Bộ đội được huy động khẩn cấp gia cố đê biển ở huyện An Minh bị sạt lở. Ảnh: Nguyễn Vũ.
Có khoảng 70 km trên tuyến đê này đang bị sạt lở, nghiêm trọng nhất là hơn 30 km tại các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên và An Minh.
Tuyến đê biển Tây qua Cà Mau dài hơn 100 km cũng sạt lở. Tháng 9/2019, tỉnh này cũng ban bố tình huống thiên tai khẩn cấp và triển khai hàng loạt biện pháp bảo vệ tuyến đê để đảm bảo an toàn cho 90.000 ha đất sản xuất nông nghiệp trong vùng ngọt hóa của hơn 26.000 hộ dân của huyện U Minh và Trần Văn Thời.
Nguyễn Vũ