Theo Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Kiên Giang, kế hoạch trên sẽ được triển khai 3 lần vào ngày 17, 19 và 21/9. Riêng vùng xanh sẽ xét nghiệm 5-7 ngày một lần.
Cụ thể, tỉnh sẽ xét nghiệm sàng lọc 100% người dân trong vùng phong tỏa, vùng nguy cao và rất cao tại TP Hà Tiên, các huyện Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành. Riêng TP Rạch Giá đã có kế hoạch xét nghiệm khác.
Để thực hiện, tỉnh huy động hơn 7.000 người lấy mẫu, gồm nhân viên y tế toàn tỉnh, tình nguyện viên, công an, quân đội, lực lượng hỗ trợ từ Trung ương... Kinh phí mua vật tư y tế, sinh phẩm.. từ ngân sách địa phương và nguồn huy động khác.
Quy trình xét nghiệm tỉnh áp dụng là test nhanh mẫu gộp 2-3 người chung hộ gia đình. Khi phát hiện dương tính sẽ lấy mẫu từng trường hợp, xét nghiệm bằng PCR. Năng lực xét nghiệm PCR của tỉnh khoảng 30.000 mẫu gộp một ngày.
Tính đến ngày 15/9, Kiên Giang phát hiện 3.568 ca nhiễm Covid-19 và 30 ca tử vong. Trước đó tỉnh đã tầm soát diện rộng hai lần, lần đầu xét nghiệm 522.000 mẫu phát hiện 233 ca nhiễm, lần hai ghi nhận 460 ca trên tổng số 660.000 mẫu.
Kiên Giang phát hiện ca hai cộng đồng đầu tiên hôm 23/6, là người nhà của hai bệnh nhân trở về từ Malaysia. Tuy nhiên, dịch bệnh ở địa phương này chỉ bùng phát mạnh thời gian gần đây.
Hai tuần đầu tháng 9, tỉnh phát hiện 2.025 ca, tăng 149% so với 14 ngày trước. Cao điểm ba ngày 5-7/9 số ca mắc lần lượt là 345, 201 và 242. Rạch Giá có số ca mắc nhiều nhất 1.616 ca, kế tiếp Kiên Lương 647 ca, Hà Tiên 499 ca, Châu Thành 231 ca, Hòn Đất 212 ca.
Hôm 13/9, trước việc số ca nhiễm tăng vọt, tỉnh Kiên Giang bị Thủ tướng chấn chỉnh trong công tác phòng chống dịch.
Để chuyển hóa vùng nguy cơ cao và rất cao thành vùng "bình thường mới", kiểm soát dịch trước ngày 30/9 theo yêu cầu của Thủ tướng, tỉnh kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16 đến ngày 20/9 đối với 6 huyện, thành phố: Rạch Giá, Hà Tiên, các huyện Châu Thành, Hòn Đất, Giang Thành, Kiên Lương. 9 địa phương còn lại thực hiện Chỉ thị 15.
Kiên Giang là tỉnh ven biển có diện tích lớn nhất trong 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, hơn 6.299 km2; dân số khoảng 2,1 triệu người (năm 2019), trong đó trên 18 tuổi khoảng 1,3 triệu người. Đến ngày 10/9, hơn 235.000 người đã tiêm vaccine mũi 1, chiếm 18% dân số trên 18 tuổi và gần 50.000 người tiêm 2 mũi, chiếm 2,8%.
Ngọc Tài