Tòa án nhân dân cấp cao tỉnh Cát Lâm vừa công bố vụ án tranh chấp đòi sính lễ giữa anh Vương và chị Ân.
Bản án thể hiện, sau gần một năm yêu đương, tháng 12/2016, hai người quyết định tiến tới hôn nhân. Vương đưa nhà gái 100.000 nhân dân tệ (hơn 320 triệu đồng) để làm lễ nạp tài. Do Ân chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật (20 tuổi), họ chỉ tổ chức đám cưới vào ngày 1/1/2017, chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn.
Ngày 26/5/2017, Ân sinh con trai. Họ chung sống với nhau đến đầu năm 2020, sau đó chia tay vì bất hòa tình cảm. Suốt 3 năm này, hai người vẫn chưa đăng ký kết hôn. Trong thời gian ly thân, cậu bé sống với cha. Tháng 10/2020, Vương đưa đơn tòa yêu cầu Ân trả lại món sính lễ 100.000 nhân dân tệ.
Tòa sơ thẩm cho rằng sính lễ (một số nơi còn gọi là "giá cô dâu") là tiền nhà trai trả nhà gái khi đính hôn, nhằm mục đích kết hôn. Khi hai bên chưa hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn, tòa cho rằng nên ủng hộ việc Vương đòi lại tiền sính lễ. Ân không đồng ý, kháng cáo lên tòa án cấp cao tỉnh Cát Lâm.
Cấp phúc thẩm đánh giá bản án sơ thẩm chỉ xem xét cuộc hôn nhân trên góc độ thuần pháp luật là chưa chính xác; cần phải tính đến 3 năm họ đã chung sống và đã có con.
Với vụ kiện này, tòa cho rằng Ân cần trả sính lễ hay không và nếu có thì bao nhiêu phải căn cứ các yếu tố như: thời gian các bên chung sống, có con, việc sử dụng tài sản hay không, số tiền sính lễ, phong tục tập quán địa phương...
Ân và Vương tuy chưa đăng ký kết hôn nhưng đã làm lễ kết hôn dưới sự chứng kiến của đôi bên gia đình và thực sự sống với nhau 3 năm, có một con trai. Số tiền sính lễ 100.000 nhân dân tệ đã được Ân sử dụng chung vào việc chi tiêu gia đình, chăm sóc con. Tòa phúc thẩm chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của Vương, tuyên Ân phải trả lại sính lễ đã nhận song được khấu trừ số tiền đã tiêu vào sinh hoạt gia đình. Ân chỉ phải trả Vương 20.000 nhân dân tệ.
Cô gái đã trả lại cho bạn trai số tiền ngay sau phiên tòa. Đôi bên cho biết hài lòng với phán quyết và sẽ không kháng cáo.
Qua vụ đòi sính lễ của Vương và Ân, Tòa án nhân dân cấp cao tỉnh Cát Lâm đã phân tích ý nghĩa đặc trưng của vụ án này và cho rằng những năm gần đây, tranh chấp về việc trả lại quà đính hôn ngày càng gia tăng. Song cơ sở pháp lý cho việc thực hành xét xử vẫn chưa đầy đủ và triết lý xét xử nên vẫn cố gắng tuân theo thói quen sinh hoạt, phong tục của người dân.
Tóm lại, nếu hai bên không sống chung thì bất kể đã làm thủ tục đăng ký kết hôn hay chưa thì về nguyên tắc, nhà gái phải trả lại sính lễ. Nếu hai bên đã chung sống cần xét thời gian chung sống là bao lâu để khấu trừ số tiền nhà gái cần hoàn trả, như trường hợp của Ân.
Với những cặp đôi đã có con chung, về nguyên tắc và cả đạo đức xã hội, không nên đòi lại sính lễ. Tất nhiên, nếu phát hiện đứa con không phải của anh ta thì nhà trai vẫn có quyền đòi.
Nạn "hét giá" cô dâu ngày càng phổ biến ở Trung Quốc những năm gần đây, góp một phần vào nguyên nhân khiến nam giới nước này khó lấy vợ. Tháng 1 vừa qua, một thanh niên Thượng Hải chia sẻ câu chuyện thách cưới làm dậy sóng dư luận.
Theo đó, anh và bạn gái người Giang Tây đã chung sống ở nước ngoài vài năm và tiến tới hôn nhân. Anh định sẽ tặng bạn gái một triệu tệ tiền mặt (hơn 3 tỷ đồng) và một bất động sản ở trung tâm thành phố làm sính lễ.
Nhưng nhà gái không hài lòng, đòi tới 19 triệu nhân dân tệ tiền mặt và căn nhà phải sang tên cho cô làm tài sản riêng, kèm điều kiện chàng rể phải mua thêm một căn hộ ở Giang Tây để cô gái ở mỗi lần về quê thăm cha mẹ. Nhà gái cũng đòi hồng bao 100.000 tệ kèm vé máy bay hạng nhất, trang sức khác... nên cuối cùng anh đã hủy hôn.
Tháng 12/2022, một chàng rể họ Hầu, 25 tuổi ở tỉnh Hà Nam thậm chí đã căng băng rôn trước nhà bố mẹ vợ, đòi trả số nữ trang và tiền sính lễ trị giá 20.000 USD sau đám cưới hoành tráng song hôn nhân đổ vỡ chỉ sau một tháng.
Chính phủ đã ban hành các chỉ thị nhằm thay đổi phong tục thách cưới, đồng thời khuyến khích tiết kiệm khi làm đám cưới. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn tiếp tục duy trì tiền thách cưới, có nơi lên tới hàng trăm nghìn nhân dân tệ.
Hải Thư (Theo Sina, The Paper, SCMP)