Theo hồ sơ, đầu năm 2012, ông Vũ Đức Thắng nộp đơn đến TAND huyện Định Quán (Đồng Nai) khởi kiện bà Trần Thị Sơn Trang (vợ đã ly hôn năm 2011) đòi lại quyền sử dụng sạp chợ thuê của ban quản lý chợ Định Quán.
Ông Thắng trình bày, năm 2002, đất nhà ông bị địa phương giải tỏa trắng để xây dựng chợ huyện Định Quán. Bù lại ông được quyền ưu tiên thuê một sạp chợ trung tâm và được cấp một lô đất tái định cư. Sau đó, ông ký hợp đồng thuê sạp với giá một năm gần 2,5 triệu đồng, buôn bán hàng điện gia dụng và đồ lưu niệm.
Ông Thắng góa vợ, có tình cảm với bà Trang (góa chồng) bán tạp hóa ở sạp kế bên. Để chứng tỏ tình cảm chân thành cũng như mong muốn xây dựng gia đình với bà Trang, tháng 3/2005, ông viết giấy sang tặng quyền sử dụng sạp này cho bà Trang (không có xác nhận của chính quyền địa phương cũng như đơn vị quản lý chợ).
Hai tháng sau, ông Thắng kết hôn với bà Trang. Sau 6 năm chung sống, năm 2011, đôi bên ly hôn tại TAND huyện Định Quán. Lúc này ông Thắng đồng ý giao cho bà Trang số hàng hóa kinh doanh trong sạp chợ. Ông Thắng cho rằng khi nhận hàng hóa, đúng ra bà Trang phải trả sạp cho ông thì bà lại chiếm giữ luôn. Yêu cầu bà dọn đi không được nên ông khởi kiện đòi lại sạp.
Bà Trang thì trình bày: “Ông ấy nói muốn được chăm lo cho ba mẹ con tôi suốt đời. Do cần bờ vai nương tựa và cũng thương cảnh gà trống nuôi con của ông ấy, tôi mới gật đầu đồng ý. Để minh chứng cho tình cảm của mình, trước ngày cưới hai tháng, ông viết cam kết giao quyền sử dụng sạp với nội dung cho tôi toàn quyền sử dụng sạp hàng trong chợ..., sau này sẽ không đòi lại dù với bất kỳ lý do nào”.
Bà Trang yêu cầu TAND huyện Định Quán xác định sạp chợ nói trên là tài sản chung của hai người. Bà muốn được tiếp tục đứng tên kinh doanh sạp và sẽ giao lại một nửa giá trị sạp theo định giá cho ông Thắng.
Xử sơ thẩm lần đầu (tháng 9/2012), TAND huyện Định Quán xác định đây là tranh chấp quyền sử dụng tài sản trong hợp đồng cho thuê sạp chợ và tuyên buộc bà Trang phải giao lại quyền sử dụng sạp hàng cho ông Thắng. Theo tòa, tờ giao kết tặng cho quyền sử dụng sạp chỉ là cam kết riêng giữa hai đương sự, chưa có sự đồng ý của đơn vị cho thuê sạp hay được cơ quan chức năng chứng thực. Mặt khác, dù đã trở thành vợ chồng hơn 6 năm, bà Trang vẫn chưa được ông Thắng làm thủ tục để bà đứng tên sử dụng sạp mỗi khi hợp đồng thuê hằng năm hết hạn...
Bà Trang kháng cáo. Xử phúc thẩm lần đầu (tháng 1/2013), TAND tỉnh Đồng Nai đã hủy án sơ thẩm vì cho rằng cấp sơ thẩm xác định sai quan hệ tranh chấp. Theo tòa, đây là tranh chấp tài sản sau khi ly hôn. Tuy giấy sang tặng quyền sử dụng sạp chợ chưa được chứng nhận, xác nhận nhưng thực tế hai bên đã kết hôn với nhau vào năm 2005. Cả hai cùng kinh doanh tại sạp chợ này cho đến khi ly hôn. Đôi bên đều có lời khai trong khoảng thời gian này có đóng góp để cơi nới mặt bằng. Cấp sơ thẩm chưa làm rõ quyền thuê sạp có phải của hai người cùng thuê kinh doanh không, nguồn tiền thuê sạp và sửa chữa, cơi nới bỏ ra thế nào... mà chỉ căn cứ vào người đứng tên trên hợp đồng thuê sạp với ban quản lý chợ để buộc bà Trang trả lại quyền sử dụng sạp cho ông Thắng là chưa có căn cứ.
Xử sơ thẩm lần hai, TAND huyện Định Quán xác định đây là tranh chấp về việc tặng cho mặt bằng kinh doanh sạp chợ và tiếp tục tuyên buộc bà Trang phải giao trả sạp chợ cho ông Thắng.
Mới đây, xử phúc thẩm lần hai, TAND tỉnh Đồng Nai lại hủy án sơ thẩm vì cho rằng cấp sơ thẩm xác định sai quan hệ tranh chấp. Theo tòa, nếu nguyên đơn khẳng định quyền sử dụng sạp chợ là tài sản riêng thì bị đơn khẳng định sạp chợ là tài sản chung đã cùng kinh doanh, đầu tư sửa chữa nên đề nghị chia đôi... Như vậy đây là tranh chấp tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn...
Tại các phiên xử, luật sư của hai bên đã tranh luận quyết liệt để bảo vệ thân chủ. Luật sư của bà Trang lập luận: Ông Thắng tự nguyện làm giấy sang tặng quyền sử dụng sạp chợ cho bà Trang (có dấu vuông). Sau đó, bà Trang đã bán sạp chợ của mình để cùng về kinh doanh với ông Thắng tại sạp chợ được ông Thắng tặng. Việc này ban quản lý chợ biết và xét về mặt tâm lý, tình cảm cũng như trên thực tế thì vợ chồng không ai sang tên cho ai.
Về mặt pháp luật, việc sau khi chia tay ông Thắng kiện đòi lại sạp chợ là không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự. Bởi lẽ hợp đồng thuê sạp chợ được ký hằng năm nhưng trên thực tế có những trường hợp không ký lại vẫn sang tay cho nhau, mặt khác đây là dạng hợp đồng thuê sử dụng nên không nhất định phải sang tên. Còn việc tặng cho đã có hiệu lực từ ngày 12/3/2005. Về mặt đạo đức xã hội, sạp chợ trên là nguồn sống duy nhất của mẹ con bà Trang, một khi ông Thắng đã cho thì không được đòi lại...
Đáp lại, luật sư của ông Thắng cho rằng chỉ những phần cơi nới thêm sạp chợ mới là tài sản chung của hai đương sự, còn quyền sử dụng sạp chợ là của ông Thắng vì ông là người trực tiếp đứng tên trên hợp đồng thuê sạp và thực hiện các nghĩa vụ nộp tiền. Giấy sang tặng từ năm 2005 là do ông Thắng tự viết nhưng bà Trang có lỗi là không thực hiện nghĩa vụ thông báo cho ban quản lý chợ nên đến nay chưa được sự chấp nhận...
Theo ban quản lý chợ Định Quán, từ năm 2002 đến 2011, ban quản lý chợ đã ký các hợp đồng thuê sạp với ông Thắng, mỗi hợp đồng có giá trị trong một năm. Năm 2005, ông Thắng và bà Trang kết hôn rồi cùng kinh doanh sạp chợ này. Cả hai có đến gặp ban quản lý chợ xin cơi nới thêm sạp và ban quản lý chợ đã tạo điều kiện. Do bà Trang là vợ ông Thắng nên ban quản lý chợ vẫn để bà tiếp tục bán hàng. Đến khi họ ly hôn, ban quản lý chợ mới biết việc ông Thắng có viết giấy tặng quyền sử dụng sạp cho bà Trang. Tuy nhiên, trong hợp đồng cho thuê sạp chợ mà ban quản lý chợ ký với ông Thắng quy định rõ việc tặng cho, sang nhượng cho người khác thuê lại phải đảm bảo điều kiện hợp đồng còn thời hạn cũng như phải được sự đồng ý xác nhận của đơn vị quản lý chợ. Do đó giấy tặng cho trên không đúng với hợp đồng cho thuê sạp. Nay tòa án quyết định bên nào được tiếp tục kinh doanh sạp chợ thì ban quản lý chợ sẽ ký hợp đồng với người đó... |
Theo Pháp luật TP HCM