![]() |
Kiến lửa chúa có thể quyết định tỷ lệ giới tính trong đàn. |
Công bố được đăng trên tờ Science hôm qua (17/8).
Giáo sư Laurent Keller, Viện trưởng Viện Sinh thái học, Đại học Lausanne (Thuỵ Sĩ) và cộng sự đã nghiên cứu 24 đàn kiến lửa châu Mỹ (solenopsis invicta). Họ phát hiện, tỷ lệ giữa các con đực và con cái trong các đàn kiến này rất khác nhau: 11 đàn chủ yếu gồm các con đực, trong khi 13 đàn kia chủ yếu gồm các con cái. Nhưng khi Keller tráo đổi nữ chúa từ một đàn có nhiều con đực sang một đàn có nhiều con cái, thì chỉ sau 5 tuần, số kiến đực ở đàn này đã nhiều hơn hẳn số kiến cái. Cũng vậy, khi đổi kiến chúa ở đàn có nhiều con cái sang đàn có nhiều con đực, số lượng kiến cái ở đàn này cũng mau chóng tăng vọt. Điều đó cho thấy, kiến chúa quyết định tỷ lệ giới tính trong đàn.
Ở loài kiến, các trứng được thụ tinh nở ra kiến cái, còn các trứng không được thụ tinh nở ra kiến đực. Kết quả là, kiến cái đều mang nhiễm sắc thể của bố và mẹ trong khi kiến đực chỉ có nhiễm sắc thể của mẹ. Vì vậy, kiến thợ (chủ yếu là kiến cái) bao giờ cũng cảm thấy gần gũi với các em gái hơn các em trai. Chúng chăm sóc các em gái nhiều hơn, thậm chí có thể giết các em trai để giành cơ hội sống cho các em gái. Còn kiến chúa, nếu thích có nhiều con gái, nó chỉ cần cho nhiều trứng được thụ tinh, hoặc ngược lại, nó sẽ không cho trứng nào được thụ tinh cả.
Kiến chúa đều có mối dây ràng buộc như nhau với các con trai và con gái của mình, vì vậy, nó không có lý do gì để ghét con trai hoặc con gái. Các nhà khoa học không thể giải thích nổi, vì sao ở loài kiến lửa solenopsis invicta có hiện tượng, một đàn chủ yếu là con đực, trong khi đoàn khác lại toàn con cái.
Theo Keller, ở nhiều loài kiến khác, nữ chúa đối xử rất bình đẳng giữa con trai và con gái. Nó luôn cố gắng điều chỉnh tỷ lệ giới tính cân bằng trong đàn. Bởi vậy, nó luôn kiềm chế xu hướng thích em gái quá đáng của các con kiến thợ bằng cách hạn chế các trứng được thụ tinh.
Kiến lửa solenopsis invicta có màu da cam. Chúng có nguồn gốc từ Argentina và Brazil và di chuyển sang Mỹ vào đầu thế kỷ 20. Chúng rất hung dữ và phá hoại mùa màng khá mạnh.
Minh Hy (theo Reuters, dpa)