Bà Yukari 56 tuổi và chồng, Yukio Koike, 66 tuổi nằm trong số 12 người, sinh sống tại Tokyo, Hokkaido và tỉnh Nagano, sẽ dự vụ kiện tập thể vào ngày 8/3 tại tòa án quận Tokyo và Sapporo.
Họ đều cho rằng Điều 750 của Bộ luật Dân sự quy định vợ chồng phải sử dụng cùng họ là "không cần thiết và không hợp lý", đồng thời vi phạm Điều 24 của Hiến pháp, bảo đảm quyền tự do hôn nhân.
Các nguyên đơn cho rằng "luật một họ" đã gây ra sự mất mát về danh tính và cảm giác danh dự, đồng thời tạo ra "tình huống mà chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ cuộc hôn nhân của mình".
Vợ chồng bà Yukari cho biết, đó là nguyên nhân họ đi tới quyết định ly hôn, để "giữ danh tính", hoàn toàn không có mâu thuẫn tình cảm, cuộc sống hôn nhân.
Họ làm đám cưới năm 1991 mà không đăng ký kết hôn vì bà Yukari muốn giữ họ của mình còn chồng thì phản đối vì ông là con trai trưởng của một gia tộc coi trọng truyền thống. Cha của ông Yukio đã nhân lúc hai con đi tuần trăng mật, bí mật đăng ký kết hôn và lấy "Koike", họ nhà mình, đặt cho con dâu.
Nhiều năm chung sống, chủ đề này vẫn được tiếp tục tranh luận. Bà Yukari vẫn sử dụng tên thời con gái tại nơi làm việc nhưng bị buộc phải sử dụng "Koike" cho bảng lương, tài khoản ngân hàng và các giấy tờ khác của mình.
Một thời gian sau, ông Yukio dần thay đổi quan điểm, đồng cảm với vợ và nhận ra sự thiệt thòi của bà. Họ thảo luận và quyết định "ly hôn trên giấy tờ" để bà được giữ họ gốc của mình, thay vì họ nhà chồng. Sau này khi sinh thêm 3 con, họ chỉ tái hôn để con cái có tên cha trong giấy khai sinh, rồi sau đó lại ly hôn. Tuy vậy, họ vẫn chung sống một nhà. Các con đều ủng hộ quan điểm của mẹ.
Năm 2020, con gái họ kết hôn và đau khổ khi phải làm thủ tục đổi sang họ chồng. Điều này thúc đẩy ông bà Yukari, Yukio tham gia vào vụ kiện.
Đây là lần thứ ba chính quyền nước này đối mặt với các vụ kiện về "luật một họ". Hai vụ trước đây vào năm 2015 và 2021. Trong số 15 thẩm phán thuộc Hội đồng thẩm phán của Tòa án Tối cao, 10 người đã ra phán quyết rằng "Luật một họ" là hợp hiến, do đó, đơn kiện bị bác bỏ.
Song lần này, các nguyên đơn cho rằng, điều kiện xã hội đã thay đổi. Họ trích dẫn các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy khoảng 87% thanh niên ủng hộ việc các cặp vợ chồng sử dụng họ kép hoặc giữ nguyên họ của mình sau kết hôn.
Hải Thư (Theo The Asahi Shimbun)