Vụ kiện tranh chấp đòi bồi thường về sức khỏe, tinh thần giữa chị Huyền (ngụ Đà Nẵng) với bị đơn là bác sĩ Phương và chủ cơ sở thẩm mỹ viện Newface ở quận 10 được TAND TP HCM xét xử phúc thẩm hôm 16/1.
Hồ sơ thể hiện, ngày 26/9/2020, sau thời gian được tư vấn, chị Huyền đến thẩm mỹ viện Newface để nâng mũi. Tổng chi phí chị đã thanh toán là 43 triệu đồng.
Theo đơn kiện, sau phẫu thuật, chị Huyền thấy dáng mũi không đều nên nhắn tin hỏi bác sĩ nhưng do đang sưng nên không đánh giá được. Đến ngày tháo nẹp, chị phát hiện một bên cánh mũi bị móp, có đường rãnh bất thường. Chị đã quay video quá trình tháo nẹp cũng như ghi nhận vết bị móp ở cánh mũi để phản hồi với bác sĩ thì nhận được câu trả lời "còn mới, chờ vết thương ổn định vài tháng mới biết chính xác".
Đến ngày 9/10/2020, chị hẹn lịch với phòng khám để từ Đà Nẵng bay vào cắt chỉ và tái khám, với mong muốn được xử lý sớm vết móp và đường rãnh ở cánh mũi. Tuy nhiên, khi đến thẩm mỹ viện chị chỉ được nhân viên cắt chỉ chứ không gặp bác sĩ Phương.
Sau đó, bác sĩ Phương trấn an "vết mổ còn sưng, chờ 6 tháng đến một năm ổn định mới đẹp" và hứa sẽ bảo hành làm lại miễn phí nếu không ưng.
Hơn nửa năm sau (cuối tháng 6/2021), thấy tình trạng mũi ngày càng đau, chảy mủ, chị Huyền nhiều lần liên lạc với bác sĩ nhưng không được. Khoảng tháng 7/2021, chị đến phòng khám nhưng cơ sở đóng cửa, nhắn tin không ai trả lời nên đã đến bệnh viện khám và xin đơn thuốc về uống.
Thời điểm này dịch Covid -19 bùng phát, việc đi lại khó khăn. Mũi của chị Huyền ngày càng đau và xuất hiện mủ vàng trong xương vách ngăn... trong khi không thể liên lạc được với bác sĩ Phương. Chị phải đến Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng lấy thuốc điều trị, chờ ngày nhập viện phẫu thuật tháo bỏ dị vật.
Sau khi liên lạc được với trung tâm thẩm mỹ qua nhân viên cắt chỉ, chị thuyết phục phòng khám trả lại chi phí 43 triệu đồng để có tiền đi khám, điều trị.
Ngày 14/10/2021, thông qua một trung tâm thẩm mỹ của người bạn tại Đà Nẵng, bác sĩ Phương đã hoàn trả cho chị Huyền 50 triệu đồng và yêu cầu ký biên bản có nội dung "trung tâm không chịu trách nhiệm về sau cho chị Huyền".
Chị Huyền cho rằng đã nhận tiền nhưng không ký nội dung biên bản này.
Ngày 30/11/2021, chị nhập viện tại Đà Nẵng để mổ lấy dị vật. Khi mổ bác sĩ phát hiện trong khoang mũi có nhiều vết sẹo làm cho cánh mũi bị mỏng rách dẫn tới tạo rãnh bất thường và móp ngay sau phẫu thuật tại Newface; phần bên trong còn vài mũi chỉ không tiêu.
Đến tháng 5/2022, chị Huyền tiếp tục phải nhập viện để điều trị khô viêm. Do tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng và nguy hiểm, ngày 24/8/2022 chị được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị tiếp kháng sinh và phẫu thuật.
Kết quả giải phẫu bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy xác định chị bị gai và loét nguy cơ rất nguy hiểm. Sau hơn 10 ngày điều trị, chị được xuất viện tiếp tục theo dõi và tái khám nhưng vết mổ còn rất đau không thể đi làm.
Theo chị Huyền, thời gian này chị còn có dấu hiệu trầm cảm không tự tin khi tiếp xúc với nhiều người; sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ hậu quả làm thẩm mỹ mũi. Do đó, chị đã khởi kiện yêu cầu bác sĩ Phương và bà chủ trung tâm thẩm mỹ Newface phải liên đới bồi thường cho chị tổng cộng hơn một tỷ đồng, gồm: tổn thất tinh thần, sức khỏe, thu nhập bị mất, chi phí điều trị.
Bị đơn: Mũi hỏng không liên quan bác sĩ thẩm mỹ
Quá trình tòa thụ lý vụ kiện, đại diện theo uỷ quyền của bác sĩ Phương cho rằng, ông là bác sĩ làm theo hợp đồng cho thẩm mỹ viện. Sau khi được các nhân viên của phòng khám tư vấn về các nguy cơ viêm nhiễm, dị ứng do sử dụng vật liệu nhân tạo cấy ghép vào mũi khi phẫu thuật, chị Huyền đã hiểu, chấp nhận việc xảy ra rủi ro và ký vào biên bản xác nhận do chính tay mình viết.
Sau 14 ngày phẫu thuật chị Huyền tới tái khám kết quả rất tốt, mũi không bị lệch, tụ dịch, không có biểu hiện nhiễm trùng... Một năm sau phẫu thuật mũi chị Huyền mới bị sưng và chảy mủ nên không thể xác định được chính xác nguyên nhân trực tiếp khiến mũi chị có hiện tượng trên. Nó có thể xuất phát từ việc chưa vệ sinh sạch sẽ sau phẫu thuật hoặc do va chạm mạnh gây chấn thương và nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác.
Phòng khám đã mời chị vào TP HCM để thăm khám xử lý nhưng chị không đồng ý và đòi lại tiền để đi nơi khác làm. Ngày 14/10/2022, phòng khám đã hoàn lại tiền cho chị 50 triệu đồng. Khi nhận tiền chị cam kết không khiếu nại, khiếu kiện hay quấy rối, làm phiền bác sĩ và phòng khám. Tại biên bản nhận tiền, chị cũng cam kết từ nay trở về sau, bác sĩ và trung tâm không còn trách nhiệm gì đối với chị.
Tuy nhiên, sau đó chị vẫn nhắn tin, email và đến Sở Y tế cùng các trung tâm thẩm mỹ khác do bác sĩ Phương làm chủ để khiếu nại.
Chị Huyền đã 17 lần đến khoa Tai mũi họng của Bệnh viện Đà Nẵng điều trị. Tại đây, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng không có chuyên môn về thẩm mỹ mũi đã thực hiện phẫu thuật dẫn đến việc phải làm đi làm lại nhiều lần và kết quả mũi hiện nay không phải là hình dạng mũi do bác sĩ Phương phẫu thuật. Nay nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bác sĩ Phương bồi thường là không có cơ sở chấp nhận, đề nghị tòa bác.
Quá trình giải quyết vụ án, chủ trung tâm thẩm mỹ trình bày, tại thời điểm cơ sở còn hoạt động, bà có biết chị Huyền đến làm mũi tại Newface do bác sĩ Phương - nhân viên của trung tâm, thực hiện. Đến tháng 11/2020 thì cơ sở ngưng hoạt động và bà đã trả lại giấy phép. Trước đó, bà có ký thỏa thuận với bác sĩ Phương về việc bàn giao toàn bộ tài sản vô hình và hữu hình của cơ sở cho bác sĩ này. Do đó, việc chị Huyền yêu cầu bồi thường thiệt hại bà không biết, không liên quan và không đồng ý.
Tòa sơ thẩm bác đơn kiện vì nguyên đơn 'đã nhận lại tiền'
Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 9/2024 của TAND quận 10, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn cho rằng, các dấu hiệu biến chứng mũi của chị Huyền bắt đầu xuất hiện từ ngay sau khi phẫu thuật và kéo dài về sau. Việc thân chủ yêu cầu bồi thường thiệt hại là do hành vi có lỗi của bác sĩ Phương trong việc thực hiện phẫu thuật không đúng quy trình, sử dụng vật liệu không rõ nguồn gốc.
Đồng thời, do chủ cơ sở kinh doanh để nhân viên không có chứng chỉ hành nghề chuyên môn thăm khám, tư vấn, không lưu trữ hồ sơ bệnh án... dẫn đến thân chủ bị thiệt hại về sức khỏe tinh thần.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, HĐXX đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của chị Huyền.
Theo tòa, quá trình phẫu thuật tạo hình dáng mũi trung tâm đã tư vấn đúng. Việc lựa chọn bác sĩ phẫu thuật là do chị Huyền tự nguyện. Hậu quả biến chứng phẫu thuật y khoa nằm trong sự cho phép của quyết định do Sở Y tế ban hành. Quá trình giải quyết vụ án chị Huyền không chứng minh được bác sĩ Phương thực hiện sai chuyên môn. Sở Y tế cũng trả lời "không có cơ sở xác định có lỗi hay không" vì không có lưu trữ hồ sơ bệnh án của nguyên đơn.
Nguyên đơn xuất trình các tài liệu chứng minh thiệt hại sau khi phẫu thuật nâng mũi nhưng cũng chính chị lựa chọn giải pháp nhận lại tiền để tự đi điều trị.
Nguyên đơn biết đã có thiệt hại về sức khỏe xảy ra, mũi đang có biến chứng nhưng đã duy trì suốt một năm như trung tâm yêu cầu và không có kết quả, song vẫn mong muốn hoàn tiền dịch vụ, tự điều trị.
Do đó, tòa căn cứ khoản 1 Điều 585 Bộ luật dân sự quy định việc "... các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường..." thì việc nguyên đơn nhận lại chi phí được xem là sự thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại, nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
VKS: Hai bên cùng có lỗi
Không đồng ý với phán quyết của tòa, chị Huyền kháng cáo. VKSND quận 10 cũng kháng nghị bản án, cho rằng tòa chưa xem xét toàn diện các chứng cứ trong vụ án.
Theo VKS, tòa căn cứ vào phiếu thông tin tư vấn do bị đơn cung cấp và đối chiếu với quyết định của Sở Y tế về quy trình phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ để nhận định nội dung và quá trình tư vấn của Newface cho chị Huyền phù hợp với quy định là "chưa chính xác". Bởi, phiếu tư vấn này chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định về chứng cứ.
Tòa sơ thẩm căn cứ vào công văn của Sở Y tế trả lời về việc "không có hồ sơ bệnh án" của chị Huyền nên không có căn cứ để xác định bác sĩ Phương có sai sót về chuyên môn kỹ thuật hay không. Trong khi đó, bệnh án của Bệnh viện Đà Nẵng và Chợ Rẫy đều xác định nguyên đơn "bị áp xe, dò mủ sống mũi do các biến chứng của phẫu thuật thẩm mỹ".
Nguyên đơn khai, Newface có gửi cho bà video toàn bộ quá trình phẫu thuật thẩm mỹ, bà vẫn còn lưu trữ nhưng không mở ra xem được. Theo VKS, đây là chứng cứ quan trọng để xác định việc bác sĩ Phương phẫu thuật cho nguyên đơn có đúng quy trình hay không, cũng như kết luận có hay không xảy ra biến chứng y khoa. Tuy nhiên, tòa không làm rõ, xác minh và thu thập chứng cứ này.
Việc bác sĩ Phương hoàn trả chi phí phẫu thuật và một phần chi phí thuốc men hỗ trợ cho chị Huyền chứ không phải là bồi thường toàn bộ thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 585 Bộ luật Dân sự. Tòa sơ thẩm xác định đây là sự thỏa thuận của các bên về việc bồi thường là chưa đảm bảo quyền lợi của nguyên đơn.
Về yếu tố lỗi, VKS xác định cả nguyên đơn và bị đơn đều có lỗi. Bởi, nguyên đơn khai nhận trước khi được bác sĩ Phương phẫu thuật chỉ được các nhân viên hướng dẫn chứ không được các bác sĩ có chuyên môn của Newface tư vấn trực tiếp thăm khám. Bà Huyền biết nguy cơ viêm nhiễm, dị ứng vật liệu cấy ghép vào mũi sau phẫu thuật nhưng vẫn chấp nhận rủi ro nên cũng có một phần lỗi.
VKS phân tích thêm, tại thời điểm chị Huyền đến khám, chủ cở sở thẩm mỹ là người chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật của trung tâm, do đó phải có trách nhiệm liên đới cùng bác sĩ phẫu thuật khi xảy ra thiệt hại.
Từ đó, VKS đề nghị TAND TP HCM xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn; tuyên các bị đơn liên đới bồi thường cho chị Huyền một nửa các thiệt hại thực tế xảy ra tương ứng với số tiền 158 triệu đồng. Trách nhiệm của bác sĩ Phương được cấn trừ với số tiền đã hoàn trả chi phí cho chị Huyền.
Tòa phúc thẩm: tính chất vụ việc phức tạp
Trình bày tại phiên phúc thẩm, chị Huyền cho rằng, bác sĩ Phương và phòng khám đều không cung cấp thông tin, tài liệu thể hiện nguồn gốc, xuất xứ vật liệu nhân tạo cũng như các rủi ro, biến chứng khi đặt vật liệu này vào mũi cho chị Huyền.
Đến nay, chị Huyền vẫn không biết được ông Phương đã đặt vật liệu gì vào mũi của mình. Phòng khám không cung cấp bất kỳ tài liệu nào về thông tin vật liệu nhân tạo đã cấy vào mũi của chị để xác minh tem nhãn, nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng để đảm bảo việc truy xuất, theo dõi. Đặc biệt, không có hồ sơ bệnh án thể hiện việc lưu trữ, quản lý, theo dõi về trang thiết bị y tế đã đặt vào người bệnh.
Về chất lượng của các vật liệu nhân tạo, phía chị Huyền cho rằng, chỉ trong vòng một năm từ khi đặt các vật liệu nhân tạo để nâng mũi, khi thăm khám tại Bệnh viện Đà Nẵng, các bác sĩ chẩn đoán sụn mũi đã bị nát, ăn xuyên qua mô mũi, hòa lẫn vào nhiều vị trí trong mũi gây biến chứng, nhiễm trùng... Từ đó, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu buộc bị đơn bồi thường hơn một tỷ đồng.
Đại diện theo ủy quyền của bác sĩ Phương trình bày đã tư vấn và thực hiện theo đúng cam kết với nguyên đơn. Bị đơn không có lỗi trong việc xảy ra biến chứng thẩm mỹ. Hiện thẩm mỹ viện không còn hoạt động, trước đó đã hoàn trả 50 triệu đồng theo yêu cầu của nguyên đơn nên không chấp nhận yêu cầu.
Quá trình xét xử, chủ cơ sở kinh doanh Newface xin vắng mặt.
Sau nhiều giờ làm việc, tòa phúc thẩm cho rằng tính chất vụ việc phức tạp nên cần thêm thời gian nghiên cứu. Từ đó, HĐXX hoãn phiên tòa, sẽ mở lại sau Tết.
Hải Duyên