Theo bác sĩ Hội, kiến ba khoang có tên khoa học là Rove Beetle. Loài côn trùng này có rất nhiều ở Thừa Thiên - Huế và các tỉnh thành khác, thường xuất hiện ở những nơi mất vệ sinh môi trường và có ánh điện. Trong cơ thể của kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin (C24H43O9N) với độc tính gấp 12-15 lần nọc độc rắn hổ mang. Độc tố này có tính xuyên thấm qua da, là độc chất tự nhiên có hiệu lực như chất chống ung thư và virus.
Độc tính Pederin là chất để kiến ba khoang phòng vệ chống lại động vật ăn chúng (thiên địch) như nhện. Pederin không được tạo ra từ bản thân kiến mà do vi khuẩn nội cộng sinh trong chúng là pseudomonas aeruginosa. Là loại côn trùng thiên địch với rầy nâu, sâu cuốn lá... nên kiến ba khoang là một trong những động vật có lợi cho nhà nông. |
Những người không may bị kiến ba khoang đốt thường có biểu hiện phồng rộp da, nổi mụn nước, theo bác sĩ Hội. Hiện tượng này có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc độc tố từ 12 đến 36 giờ. Nơi da bị kiến đốt sau nhiều ngày không chữa trị sẽ bị viêm nặng, thậm chí chuyển sang lở loét, rất đau rát và để lại nhiều vết thương trên cơ thể, da mặt. Vị trí viêm da thường gặp phải là vùng đầu mặt, cổ, tay, chân, hông lưng. Đây là vùng "nhạy cảm", kiến ba khoang dễ tiếp xúc, tấn công.
Nếu pederin dính vào mắt sẽ gây ra viêm kết mạc và phần mềm quanh mắt, có trường hợp mù tạm thời.
Bà Nguyễn Thị Tý bị kiến khoang đốt sưng mặt. Ảnh: Đăng Nguyên. |
Điều trị vết thương do kiến côn trùng gây ra rất đơn giản. Có thể rửa bằng thuốc tím (KMnO4) trực tiếp lên vết thương, sau đó thoa thêm thuốc calamine lotion hay corticosteroids. Kháng sinh có thể cần dùng nếu có bội nhiễm bóng nước trên da. Bệnh viêm da do kiến khoang hoàn toàn sẽ lành trong 2-3 tuần.
Chiều 8/9, đoàn công tác liên ngành thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trung tâm Y tế Dự phòng, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm Y tế TP Huế và phòng chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trực tiếp đến khảo sát và khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân khu tái định cư Hương Sơ. Hiện có 145 người dân bị mắc bệnh viêm da do kiến ba khoang gây ra và đã được hướng dân điều trị tại nhà.
Đoàn công tác cũng tuyên truyền người dân giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ; đồng thời phun hóa chất ở trong phòng và môi trường xung quanh.
Sáng 10/9, đoàn tiếp tục khảo sát khu tái định cư và bước đầu ghi nhận số lượng côn trùng bay đến đã giảm hẳn. Cùng với đó, số người dân mắc bệnh cũng đã giảm dần và có dấu hiệu lành bệnh sớm.
Đăng Nguyên