Ông Trần Nhật Tiến, 63 tuổi, cho biết nghề đánh bóng lư đồng đến rất tình cờ. Năm 1993, ông mang lư đồng trên ban thờ của gia đình ra góc đường Trần Quang Khải (quận 1) để lau chùi chuẩn bị đón Tết. Ông vô cùng phấn khích khi thấy bộ lư xỉn màu trở nên bóng loáng sau vài tiếng. "Thời đó, cứ dịp Tết cả nhà cứ lấy chanh, nước tẩy rồi lau bằng tay cả ngày mới xong, nhưng chỉ sạch hơn chứ không sáng bóng. Một lần tôi xem người ta đánh bằng máy thấy hay quá nên học theo", ông kể.
Sau lần đó, ông sắm chiếc mô tơ rồi treo biển "Đánh bóng lư đồng" trước tiệm sửa xe của gia đình. Suốt một năm, cả chục bộ lư đồng của gia đình bị ông Tiến mang ra thí nghiệm đến nỗi bộ nào cũng hỏng. Đổi lại, ông thạo nghề và tìm ra bí quyết riêng.
Nhưng ba năm đầu tiệm gần như không có khách. Từ năm thứ tư, trung bình mỗi ngày tiệm ông nhận chục bộ lư, mang lại nguồn thu nhập khá. Dần dần, cái tên Ba Tiến được nhiều người Sài Gòn gọi là "người có bàn tay phù thủy, đụng đâu đẹp đó".
Ông Tiến cho biết, quá trình đánh bóng một bộ lư đồng thường qua bốn công đoạn. Người thợ phải tháo từng bộ phận, vệ sinh sạch sẽ, đánh bóng bằng máy mô tơ để làm sạch vết xỉn rồi chà bằng bột tẩy và phơi khô. Công đoạn nào cũng cần kinh nghiệm và bí quyết riêng để bộ lư đồng có độ bền sau khi được đánh bóng. Trong đó, làm bóng là khó nhất, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, tay nghề cao, tỉ mỉ vì chỉ cần một chút sơ suất có thể làm hư cả bộ lư. "Mưa thì không thể đánh bóng được, quy luật của nó là càng nóng càng sáng", ông nói.
Một bộ lư đơn giản, ông cần khoảng hơn một giờ, tiền công 150.000-350.000 đồng. Một bộ lư phức tạp cần ba tiếng với tiền công 500.000-850.000 đồng. Đối với những bộ lư đồng có hoa văn phức tạp, ông Tiến phải đánh bóng thủ công bằng tay.
"Có lúc chà mạnh, nóng phồng tay cũng phải chịu. Còn đánh bằng máy thì phải chú tâm và hết sức cẩn thận. Lỡ trật tay lư đập vào đầu là chấn thương liền, sai một li đi một dặm", ông nói.
Chủ tiệm chia sẻ, lư đồng là món đồ được nhiều gia đình truyền từ đời này sang đời khác nên có giá trị vật chất và tinh thần rất lớn, tiền bạc không thể mua được. Do đó trong từng công đoạn, ông cũng phải hết sức tỉ mỉ và cẩn thận. "Cái nào không đánh bóng được là từ chối ngay, vì lỡ làm hư không thể đền nổi", ông Tiến cho biết.
"Mình quý bộ lư đồng ở nhà mình sao thì lư đồng của khách cũng phải quý y như vậy. Đã làm thì phải đạt tiêu chuẩn yêu cầu, mình coi được thì người ta coi được. Làm nghề này mà có tâm là phước đức lắm chứ chẳng giỡn chơi", người đàn ông Sài Gòn 63 tuổi tâm sự.
Sau 30 năm làm nghề, trung bình mỗi tháng ông nhận khoảng 300 bộ lư, thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Vào dịp Tết số lượng đơn hàng tăng gấp đôi hoặc gấp ba, doanh thu hơn một trăm triệu đồng.
Những ngày cận Tết, ông Tiến đầu tắt mặt tối từ sáng đến khoảng 6 giờ chiều. "Mệt thì nghề nào mà không mệt. Nhưng nhìn họ cười khi nhận lại bộ lư đồng bóng loáng mình thấy hạnh phúc lắm. Cứ vậy mà làm miết không nghỉ", ông nói.
Dịp Tết Nhâm Dần năm ngoái, sau đỉnh dịch Covid nên nhiều gia đình có thân nhân mất, dẫn đến nhu cầu cao, ông Tiến phải huy động anh em trong nhà ra phụ. Từ rằm tháng Chạp, ông đã nhận mỗi ngày hơn 30 bộ lư đến ngày cúng ông Táo lư xếp kín nhà. Vụ đó, ông làm nhiều đơn hàng đến nỗi cháy máy mô tơ phải đi sửa. Năm nay rút kinh nghiệm ông đầu tư thêm hai cái máy, thuê bốn thợ phụ hỗ trợ.
"30 năm qua, tôi phải nhờ vợ lo Tết cho gia đình, đến độ đi tảo mộ ông bà cũng không thể bởi phải có mặt tôi khách mới chịu giao và nhận hàng vì họ sợ nhầm", ông nói.
Theo ông Tiến, năm nay lượng khách vẫn đông nhưng giảm khoảng 20% so với năm ngoái. Dù kinh tế khó khăn, chi phí mua vật liệu cũng cao hơn nhưng ông cũng chỉ lên giá khoảng 50.000 đồng dịp Tết. "Mình lên cầm chừng để bù tiền mua vật liệu và tiền công chứ cũng không đòi giá cao tội nghiệp người ta, làm việc này phải có cái tâm".
Cuối năm, tiệm ông còn đón nhiều khách từ các tỉnh gửi đồ đến đánh bóng. "Họ yêu mến mình nên cứ tới, có người đi xe máy hơn 100 km đến đặt làm", ông kể.
Ông Lê Thế Chính, 61 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, đã đánh bóng lư tại tiệm ông Tiến hơn 10 cái Tết. Ông Chính nói, phải ông Tiến làm mới ưng. Một bộ lư ông chủ tiệm làm khoảng hơn một giờ là xong, nên ông thường ngồi trà đá đợi lấy luôn. "Tôi đi mấy chỗ rồi, nhưng vẫn ưng ở đây nhất. Năm ngoái tôi gửi bộ lư cho ổng đánh, sau khi xong tôi không nhận ra đó là đồ của mình luôn, mới tinh", ông Chính nói.
Ông Tiến chia sẻ, có một kỷ niệm cách đây 10 năm khiến ông vừa vui vừa bực nhưng nhớ hoài. Đó là lần ông đánh bóng xong xuôi, một vị khách lớn tuổi tới lấy hàng nhưng không nhận ra bộ lư của mình vì mới và sáng bóng quá. Đến khi người nhà và công an khu vực tới can thiệp, kiểm tra những dấu vết riêng mới nhận ra đúng là của gia đình, ông lão mới vui vẻ chấp nhận.
Mỗi cuối năm, cứ thấy ông Tiến xếp máy mô tơ để ở trước nhà là hàng xóm nói vui: "Nhìn thấy ổng kéo máy ra đường là biết sắp Tết rồi". Mùa Tết, ông Tiến làm tới chiều tối 30 là nghỉ, khoảng mùng 6 mở cửa trở lại.
"Cả một năm vất vả rồi, tiền nhiều đúng là ham thiệt nhưng phải giữ sức để còn phục vụ khách lâu dài", người đàn ông 63 tuổi nói.
Minh Tâm