Nhiều địa phương chưa có quy hoạch. |
Hơn 500 người dân Vũng Tàu đã liên hệ để được gặp đoàn kiểm tra trong ngày 15/8 khiến trụ sở cơ quan tài nguyên môi trường dường như quá tải. Ông Khải cho hay, diện tích đền bù giải tỏa của thành phố lên tới hơn 600 ha, trong khi số hộ được bố trí tái định cư có vài trăm khiến người dân rất bức xúc, một số hộ còn bị giải tỏa trắng nhưng không được giải thích cặn kẽ, khiến họ đưa đơn kiện nhiều nơi nhiều lần.
Hội trường huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nơi đoàn kiểm tra số 13 tới làm việc, cũng “nóng” vì vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư ... Người dân ban đầu hào hứng với chuyện giao đất bao nhiêu thì lại thất vọng bấy nhiêu khi thấy nơi ở mới không được đầu tư hạ tầng đầy đủ đã giao cho dân. Thiếu đất sản xuất trong khi không được đào tạo nghề, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng lớn.
Đoàn kiểm tra số 6 làm việc tại Đồng Tháp không nhận được phản ánh về các “điểm nóng” nhưng cũng tiếp nhận 150 đơn của người dân bày tỏ mong muốn được giải quyết dứt điểm tranh chấp đất đai với nhà nước, được đền bù giải phóng mặt bằng thỏa đáng và có chỗ tái định cư. Đoàn kiểm tra số 3 do Vụ trưởng Pháp chế Lê Thanh Khuyến làm việc ở Hà Tĩnh đã chủ yếu nghe ý kiến của dân tố cáo các việc làm sai trái của cán bộ trong việc đền bù giải toả dân liên quan tới việc mở rộng nâng cấp đường 1A.
Tổng kết 26 tỉnh thành các đoàn kiểm tra đã đi qua, vấn đề quy hoạch khá nổi cộm. Có huyện thuộc tỉnh Quảng Nam chỉ có 2 xã được lập quy hoạch dân cư đến 2010, còn các xã, phường khác chưa có quy hoạch sử dụng đất.
Tỉnh Sóc Trăng thì hầu hết các huyện chưa có quy hoạch khiến cán bộ các sở Xây dựng, Tài nguyên môi trường quản lý chồng chéo nhau. Vướng mắc trong quy hoạch là nguyên nhân chính khiến cán bộ không biết dựa vào đâu để thuyết phục người dân di dời, hay khi dân có bức xúc cũng không được giải thích hợp lý gây ra khiếu kiện kéo dài.
Ông Nguyễn Khải cho biết, Luật Đất đai đã ảnh hưởng trực tiếp tới người dân nên nhiều bức xúc nảy sinh là chuyện dễ hiểu, nhưng cũng ít địa phương làm tốt việc hướng dẫn thi hành luật. Ngay cán bộ địa chính cũng có những sai trái trong việc thực thi luật tạo cho người dân những suy nghĩ không đúng. Có tỉnh làm rất tốt công tác tuyên truyền như Đồng Nai, mỗi buổi nói chuyện thu hút tới 500 người tham gia, có tỉnh từ trước tới nay chưa tổ chức buổi phổ biến nào, hỏi luật mà cán bộ cứ phải giở văn bản ra nhìn rồi đáp. Vì không nắm được quy định cho ghi nợ khi cấp sổ đỏ mà có huyện ở Bình Dương để tồn tới 4.194 giấy đã ký không giao cho dân.Đợt kiểm tra cũng cho thấy để việc thi hành luật tốt hơn nữa, giữa địa phương và cơ quan quản lý cần thường xuyên có trao đổi qua lại. Nhiều địa phương đề nghị Bộ Tài nguyên môi trường thành lập cơ quan chính thức hướng dẫn giải thích luật, thống nhất về thủ tục theo hướng giảm nhẹ số lượng giấy tờ, cần luật hóa cụ thể hình thức cưỡng chế cả người sử dụng đất và người có đất thu hồi.
Những nơi đoàn kiểm tra phát hiện chưa có đường dây nóng đối thoại trực tiếp với dân, sau khi nhắc nhở đã công bố ngay số điện thoại của lãnh đạo cơ quan tài nguyên môi trường trên đài phát thanh truyền hình địa phương. Có buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hùng Võ và đoàn kiểm tra số 1 nhận đơn tới hơn 8 giờ tối mới hết. Ông Võ đề nghị các địa phương việc nào dân oan sai thì giải quyết đúng luật sớm; việc nào dân khiếu nại nhưng không phù hợp với luật thì giải thích tường tận cho dân hiểu, kể cả trường hợp đã có quyết định cuối cùng. Còn nếu đã thực hiện đúng Luật, giải thích tường tận mà dân chưa thoả mãn, thì kiện ra toà.
Phong Lan