Sáng 14/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết việc kiểm tra sẽ được triển khai từ đầu quý VI. Liên bộ Tài nguyên Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường sẽ thanh kiểm tra các cơ sở có giấy phép do cơ quan trung ương cấp. Chính quyền địa phương thanh kiểm tra chấp hành quy định pháp luật về môi trường đối với đơn vị có giấy phép do địa phương cấp.
Tất cả cơ sở có nước thải vào sông chính, sông nhánh của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải sẽ bị kiểm tra, bao gồm các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; làng nghề; khu đô thị, khu dân cư tập trung; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Từ nay đến hết năm 2023, các cơ quan môi trường cũng sẽ khảo sát, quan trắc, thống kê các nguồn xả thải vào hệ thống thủy lợi này. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng kiểm tra hiện trạng xử lý nước thải sinh hoạt, công nghiệp đã và chưa được đầu tư.
Dựa trên số liệu thu thập, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ phân định trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương; của chủ đầu tư, cơ sở, sản xuất, kinh doanh dịch vụ tập trung; và trách nhiệm của các cơ quan có xả nước thải vào hệ thống thủy lợi. Bộ cũng sẽ xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt hệ thống Bắc Hưng Hải và cơ chế chính sách cải tạo, phục hồi nguồn nước.
Về lâu dài, cơ quan chuyên môn về môi trường sẽ cùng bốn tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh đầu tư hạ tầng kỹ thuật để bảo vệ môi trường. Đó là công trình thu gom, xử lý nước thải; trạm quan trắc nước thải liên tục tự động, nạo vét, khơi thông dòng chảy...
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc thanh tra, kiểm tra nhằm kiểm soát có hiệu quả ngay tại nguồn các đơn vị có hoạt động xả thải, từng bước ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị có liên quan trong bảo vệ môi trường.
Thời điểm xây dựng năm 1958, Bắc Hưng Hải là hệ thống thủy lợi lớn nhất miền Bắc gồm kênh, đập dài hơn 200 km, trạm bơm, đê điều phục vụ tưới tiêu, thoát úng cho bốn tỉnh, thành là Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Gần đây, hệ thống này bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đợt quan trắc tháng 2 của Viện Nước, tưới tiêu và môi trường cho thấy trong 15 điểm quan trắc thì có 7 điểm nước không đạt quy chuẩn; cá, các sinh vật thủy sinh có thể bị chết và nguồn nước này được khuyến cáo không sử dụng cho mục đích sinh hoạt, tưới tiêu.