Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), doanh nghiệp mà Bộ Xây dựng hiện nắm 98,83% vốn, được giao quản lý, sử dụng quỹ đất gần 290 ha. Tuy nhiên, khi kiểm toán báo cáo tài chính năm 2019 của doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước cho biết, nhiều dự án của Hancorp đang nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng chục năm.
Tại dự án Khu đoàn ngoại giao, Hancorp được giao đất từ năm 2008 nhưng đến nay, các lô chưa được nộp tiền thuê đất vào ngân sách. Tại dự án Khu đô thị mới huyện Quế Võ (Bắc Ninh), công ty con của Hancorp là Tây Hồ chưa trả tiền sử dụng đất với 9,9 ha. Doanh nghiệp cũng chưa nộp khoản tiền này với lô đất 0,5 ha tại quận Hà Đông (Hà Nội) sau khi xác định hợp tác kinh doanh từ hồi 2001.
Ngoài ra, ở một số dự án khác của Hancorp như Tổ hợp nhà ở đa năng Làng Quốc tế Thăng Long chưa bàn giao khu thể dục, thể thao hơn 6.100 m2 và khu đất nhà trẻ hơn 400 m2 cho thành phố dù đã hoàn thành cả chục năm. Dự án nhà ở kinh doanh kết hợp với dịch vụ thương mại 2.6 Lê Văn Lương, Công ty Xây dựng số 1 thuộc Hancorp đã chuyển đổi mục đích sử dụng sai quy hoạch. Khu đô thị mới Cao Xanh – Hà Khánh B (TP Hạ Long) doanh nghiệp đã chậm tiến độ 10 năm.
Cơ quan kiểm toán cũng chỉ ra nhiều kẽ hở trong quản lý đầu tư xây dựng tại 3 dự án gồm: nhà ở cao tầng N01-T8, khu nhà ở công vụ và thương mại N04.A và khu biệt thự thuộc Khu đoàn ngoại giao do Hancorp làm chủ đầu tư. Theo đó, việc lập tổng mức dự án chưa chính xác làm tăng tổng mức đầu tư, dự án chậm tiến độ thực hiện, các hồ sơ nghiệp thu, hồ sơ quản lý công trình bị thiếu... Kết quả kiểm toán cho thấy, chênh lệch chi phí đầu tư tại các dự án là hơn 61 tỷ đồng.
Về vốn và tài sản nhà nước, số liệu cho thấy, Hancorp đã bảo toàn và phát triển vốn được giao. Trong năm 2019, doanh thu và thu nhập đạt hơn 2.472 tỷ đồng. Doanh nghiệp có lãi với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 131 tỷ đồng.
Dù vậy, cơ quan kiểm toán lưu ý, hiệu quả kinh doanh của Hancorp chủ yếu đến từ lĩnh vực bất động sản, còn kinh doanh xây lắp và các hoạt động khác có doanh thu lớn nhưng vẫn lỗ 34,5 tỷ đồng. 3/6 đơn vị thành viên gồm: Công ty Tây Hồ, Công ty Hancorp 1, Công ty Thiết bị và Vật liệu xây dựng Hancorp đang thua lỗ. Trong đó, Công ty Tây Hồ được xác định không bảo toàn được vốn, Công ty TB&VLXD Hancorp chưa thu hồi được vốn đầu tư tại Dự án Nhà máy Gạch bê tông khí chưng áp.
Bên cạnh đó, một số khoản đầu tư tài chính của Hancorp được đánh giá kém hiệu quả; hoạt động hợp tác kinh doanh đầu tư ở một số dự án thông qua các công ty con, liên kết còn vướng mắc, phải chấm dứt hoặc dừng hoạt động đầu tư gây tồn đọng vốn.
Kiểm toán Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp nộp bổ sung ngân sách 25,8 tỷ đồng, (trong đó có 15 tỷ thuế thu nhập doanh nghiệp). Hancorp cũng phải nộp về ngân sách khoản cổ tức hơn 167 tỷ đồng trong 2 năm là 2018 (111,5 tỷ đồng) và 2019 (55,8 tỷ đồng).
Ngoài ra, để khắc phục, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Hancorp mở tài khoản tiền gửi có kỳ hạn để chuyển tiền bảo trì cho người mua; phân loại, đối chiếu, xác nhận các khoản nợ phải thu, phải trả và thực hiện hu hồi nợ; làm việc với chủ đầu tư để quyết toán các công trình đang tồn đọng... Doanh nghiệp cũng phải xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến các khoản nợ phải thu quá hạn và khó đòi, việc tồn tại việc tồn tại chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của một số công trình để kiểm điểm, khiển trách hoặc rút kinh nghiệm.
Hancorp có 6 công ty con, 15 công ty liên kết, và có vốn đầu tư tại 16 công ty khác. Hancorp từng là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng trước khi cổ phần hóa năm 2015. Cổ phiếu HAN hiện niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Bộ Xây dựng hiện vẫn là cổ đông lớn nhất và đang muốn thoái toàn bộ vốn tại doanh nghiệp này. Tuy nhiên, phiên đấu giá số cổ phần này, đáng lẽ diễn ra vào hôm nay, đã bị HNX huỷ bỏ do hết thời hạn đặt cọc nhưng không có nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá.
Đức Minh