Ba năm qua, mảnh vườn nhỏ trồng dược liệu ở xã Kiến An, huyện Chợ Mới trở thành niềm động viên và đam mê với bác sĩ Tú. Trồng dược liệu vốn là ước mơ từ lâu của nữ bác sĩ trẻ.
Mẹ mất sớm vì bệnh nan y, ngày nhỏ cô phải tự lo việc ăn học. Tốt nghiệp cao đẳng ngành y học dân tộc, Tú làm việc tại bệnh viện tuyến huyện. Sau đó, cô thi đậu và học tiếp đại học rồi hoàn thành chương trình chuyên khoa I.
Năm 2020, Tú bắt tay khởi nghiệp, cất công lên Lâm Đồng khảo sát chọn giống. Tiếp đến, cô chọn mua mảnh đất trồng lúa, bỏ hoang một năm để đất "thải độc" rồi đem mẫu đất, nước đi kiểm định. Kết quả thổ nhưỡng an toàn, cô mới yên tâm trồng dược liệu.
500 cây giống đầu tiên trồng tại khoảng đất nhỏ gần 2.000 m2. Cây phát triển tốt, song chúng nhanh chóng thu hút sâu bệnh từ những ruộng, vườn lân cận. Với định hướng trồng thuần tự nhiên, cô cùng các công nhân dùng nhiều loại bẫy sinh học bắt sâu, chứ không đụng đến thuốc trừ sâu.
Vừa trồng, Tú vừa chủ động nhân giống, mở rộng diện tích lên 6.000 m2. Sau 6 tháng, cây ra hoa lứa đầu, mỗi ngày hái được vài kg nụ hoa. Vốn là một bác sĩ đông y, Tú rất cầu toàn, chỉ chọn hoa búp, hái vào hửng sáng. Trung bình 1.000 m2 thu được một kg hoa mỗi ngày.
"Kim ngân hoa được ví như vua giải độc trong đông y. Ở Việt Nam đa phần dùng hàng nhập của các nước nhưng thành phần có cả thân, lá. Riêng sản phẩm của Tú chỉ dùng nụ hoa, chứa nhiều dược tính nhất", bác sĩ Tú cho biết.
Tự tin với những dược liệu quý mình làm ra, Tú bị sốc khi chào hàng cho các tiệm thuốc đều bị họ lắc đầu không nhập. Khách hàng đều công nhận dược liệu của cô rất tốt, song giá đắt gấp ba hàng Trung Quốc, sẽ khó khăn khi kê đơn thuốc.
"Tốt nhưng không có người mua" - bài học thực tế cay đắng đã giúp Tú nhận ra hành trình khởi nghiệp không chỉ có màu hồng. Tuy nhiên, nữ bác sĩ trẻ không bỏ cuộc, cô lập công ty, nghiên cứu các dòng sản phẩm làm từ trà và giới thiệu đến khách hàng. Mất bốn tháng ròng để cô tìm được quy trình sản xuất.
Cả năm sau đó, nữ bác sĩ trẻ phải mang sản phẩm đi giới thiệu tại các hội chợ, trung tâm thương mại, siêu thị. Tú thuyết phục khách hàng bằng hiệu quả mang lại dù sản phẩm vẫn thuộc nhóm "đắt xắt ra miếng". Cuối năm 2021, Tú vui mừng khi tổng kết doanh thu đạt khoảng 200 triệu đồng. Hai năm tiếp theo, doanh số lần lượt tăng lên 700 triệu và gần một tỷ đồng.
Dù đã tìm được hướng đi cho sản phẩm mình làm ra, song Tú còn đối mặt nhiều khó khăn bởi vùng đất Chợ Mới thường xuyên ngập úng. Bên cạnh đó, cây kim ngân hoa trồng ở miền Nam tuổi thọ ngắn hơn so với các vùng đồi núi có nhiệt độ thấp.
Nữ bác sĩ Vũ Minh Tú cũng đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học "Dược tính của kim ngân hoa trồng ở vùng đất Chợ Mới, An Giang so với các vùng khác". Từ kết quả này, cô ấp ủ ý định chuyển giao kỹ thuật để nông dân trong vùng trồng, sau đó sẽ bao tiêu đầu ra.
Kim ngân hoa còn có tên khác là nhẫn đông hoa vì mùa đông chúng sẽ không ra hoa, lá, chỉ dưỡng bộ rễ. Về dược lý, loài hoa này có tác dụng kháng viêm, chống khuẩn, hỗ trợ điều trị giảm mỡ máu, giải độc gan.
"Loài cây này được ví như vàng trắng ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc bởi hiệu quả kinh tế rất cao", Tú nói và cho biết thêm vùng đất Chợ Mới quê cô có diện tích đất canh tác manh mún, song với vài trăm mét vuông trong vườn nhà, nông dân sẽ có nguồn thu nhập ổn định mỗi ngày.
Ông Đoàn Thanh Lộc, Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, cho biết mô hình trồng kim ngân hoa là hướng đi mới cho nông nghiệp địa phương. Trong số 21 sản phẩm OCOP của huyện có 3 sản phẩm của bác sĩ Tú đạt chứng nhận 3 và 4 sao.
"Bác sĩ Tú rất chịu khó, sáng tạo và đi đầu trong phong trào khởi nghiệp địa phương, lần nào huyện đi xúc tiến thương mại, Tú đều tham gia", ông Lộc nói.
Ngọc Tài