Nhãn chín muộn mới được trồng trên đất Thủ đô khoảng 7 - 8 năm, nhưng đã được ngành nông nghiệp đánh giá là cây ăn quả chủ lực bởi chất lượng và giá trị kinh tế cao. Mùa nhãn năm nay, người dân “vựa” nhãn chín muộn Hoài Đức, Quốc Oai (Hà Nội) lại tiếp tục được mùa.
Ông Nguyễn Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức cho biết, mặc dù cây nhãn chín muộn được trồng chủ yếu ở huyện Hoài Đức, trong đó tập trung nhiều ở các xã Song Phương, Đông La, An Thượng, nhưng nhãn chín muộn lại có gốc gác ở xã Đại Thành (huyện Quốc Oai). Theo đó, gia đình anh Nguyễn Văn Thành ở thôn Đại Tảo, xã Đại Thành có một cây nhãn tổ khoảng 120 năm tuổi và gia đình anh Nguyễn Văn Đông, thôn Phương Viên, xã Song Phương (Hoài Đức) cũng có một cây nhãn chín muộn 50 năm tuổi. Đặc điểm của 2 cây nhãn này là quả sai, to, vỏ mỏng, ăn có vị ngọt thanh và đặc biệt là chín muộn hơn các giống nhãn khác 30-45 ngày, do đó bán được giá rất cao. Từ 2 cây nhãn tổ này, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội (thuộc Sở NNPTNT Hà Nội) đã tiến hành cấy ghép mô và nhân ra được 2 giống nhãn chín muộn là HTM1, HTM2.
“Giống HTM1 cây sinh trưởng rất khỏe, tán hình bán cầu, lá xanh đậm, mép lá lượn sóng, quả to (90-95 quả một kg), màu vàng sáng, vỏ mỏng, hay bị vẹo, cùi dày màu trắng trong, ăn giòn, nhiều nước và thơm, năng suất khoảng 300-350kg một cây 7-8 năm tuổi. Còn giống HTM2 cây cành nhiều, lá xanh đậm hơn và dài hẹp, đầu nhọn, quả to nhưng thưa hơn, màu hơi sẫm, cùi dày, ăn giòn, dai và khô hơn giống HTM1, năng suất khoảng 200-250kg một cây”, ông Hiến cho biết.
Anh Nguyễn Văn Thành, người không chỉ sở hữu cây nhãn cổ thụ, mà anh còn là người rất tâm huyết với cây nhãn và đã đứng ra làm thủ tục xây dựng thương hiệu nhãn chín muộn cho địa phương. Anh Thành cho biết, gia đình có khoảng 120 cây nhãn 15 năm tuổi và khoảng 100 cây 5-7 năm tuổi. “Sau nhiều vụ trăn trở, tâm huyết với cây nhãn, năm 2013 Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) đã cấp giấy chứng nhận thương hiệu “Nhãn chín muộn Đại Thành” cho xã, đây là một bước đệm cần thiết để nhãn chín muộn có thể vươn xa hơn trên thị trường”, anh Thành chia sẻ.
Tại xã Song Phương, Đông La, Đại Thành cũng đầy những vườn nhãn sai trĩu cành, những xe tải nhỏ của thương lái khắp nơi về mua nhãn ra vào tấp nập. Ông Trần Văn Bảy (thôn Ba Lương, xã Song Phượng) là người vui nhất đang có tới 2.000 cây nhãn 6-7 năm tuổi, đã cho quả vụ thứ ba. "Trước đây vườn nhà tôi trồng cam Canh, nhưng do cam hay mất mùa nên chuyển sang trồng nhãn chín muộn. Năm nay giá nhãn dao động từ 35.000-40.000 đồng một kg, tính ra lãi gấp 3-4 lần cam, 7-8 lần lúa, ước đạt khoảng 700 – 800 triệu đồng mộ ha”, ông Bảy nói.
Nằm ven Đại lộ Thăng Long, là vườn nhãn của gia đình ông Triệu Tiến Ích ở thôn Lại Dụ, xã An Thượng (Hoài Đức). Ông Ích cho hay, ông có gần 100 cây nhãn đã ra quả vụ thứ 4-5. “Năm ngoái tôi thu gần một tỷ đồng tiền bán nhãn, giá nhãn năm nay lại nhỉnh hơn năm ngoái, nhãn cũng sai hơn nên nếu thu hoạch hết, doanh thu phải được 1,1-1,2 tỷ đồng. Trồng nhãn chín muộn không đòi hỏi nhiều vốn và chỉ sau 3 năm là cho quả bói. Điều quan trọng nhất là cách chăm sóc, điều chỉnh nhãn ra hoa đúng dịp, bón phân hợp lý để có quả nhãn ngon nhất. Tôi nghĩ nếu đầu tư đúng cách thì nhãn chín muộn chẳng khác nào mỏ vàng", ông Ích chia sẻ.
Hầu hết người dân trồng nhãn chín muộn ở Hoài Đức, Quốc Oai… đều rất lạc quan vì giống nhãn này liên tục được mùa, được giá. Càng vui hơn khi vừa qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức đồng ý cho nhãn và vải Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. “Đây là cơ hội rất tốt cho người dân trồng nhãn chúng tôi. Hy vọng nhãn chín muộn không chỉ hấp dẫn thị trường trong nước mà cũng sẽ tiêu thụ tốt ở Mỹ, Nhật Bản… Hiện chúng tôi đang xây dựng chỉ dẫn địa lý “Nhãn chín muộn Hoài Đức” và có thể được công nhận trong năm nay”, ông Bảy thông tin.
Ông Nguyễn Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức cho biết thêm, năm 2011, huyện đã tạo điều kiện cho các xã thành lập “Hiệp hội Sản xuất xuất và kinh doanh nhãn chín muộn” trên diện tích 125ha, với 57 hội viên tham gia, đồng thời đăng ký nhãn hiệu “Nhãn chín muộn Hoài Đức”. Hiện diện tích nhãn chín muộn đã đạt 200ha, sản lượng khoảng 2.000-2.200 tấn quả, đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng.
Ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội nói: “Các địa phương cần có kế hoạch bảo tồn và phát triển giống nhãn chín muộn. Trong xây dựng nông thôn mới, hầu hết các địa phương đều vướng tiêu chí chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tôi cho rằng phát triển cây nhãn chín muộn sẽ là hướng đi tốt, giúp bà con vừa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vừa tăng thu nhập”. |
Theo Dân Việt