Một mẫu thêu đầy đủ (bộ "kit") bao gồm mẫu thêu, vải, kim chỉ, bút màu, có giá dao động từ 30.000 đồng đến vài triệu.
Nhận thấy "cơn sốt" tranh thêu chữ thập lan nhanh và mạnh, các dịch vụ kinh doanh tranh thêu đã ra đời. Bên cạnh đó, những chiến lược cạnh tranh "hút" khách, kéo sức mua về phía mình như: cập nhật hàng mới, giảm giá, khuyến mãi, tư vấn khách hàng...
Từ cuối năm 2011, thị trường tranh thêu chữ thập phát triển mạnh, được bày bán rộng khắp ở nhiều tuyến phố lớn trên địa bàn Hà Nội như: Ngụy Như Kon Tum, Hoàng Quốc Việt, Đại La, Phố Vọng…
Tranh thêu chữ thập bắt nguồn từ châu Âu, năm 2005 du nhập vào Việt Nam, nhưng gặp phải một số khó khăn. Nhưng hai năm trở lại đây, hoạt động buôn bán tranh thêu trở nên sôi động, mang lại lợi nhuận cao.
Theo số liệu thống kê, hiện tại Hà Nội có khoảng trên 60 cửa hàng lớn, nhỏ bán tranh thêu. Chủ cửa hàng tranh thêu ở phố Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân cho biết: "Nhu cầu khách hàng đối với tranh thêu ngày càng lớn, nhất là những dịp lễ, Tết. Vì vậy cửa hàng của tôi ngày nào kinh doanh tốt có thể bán gần 100 mẫu thêu, doanh thu tăng lên đáng kể. Hiện tôi tìm thêm địa điểm để mở một cửa hàng mới".
Cụ thể như mẫu tranh thêu làm móc chìa khóa, vỏ điện thoại, khẩu trang, có giá khoảng 30.000 đồng/mẫu, những mẫu tranh thêu dùng để trang trí, giá từ 100.000 đồng đến vài triệu/mẫu.
Ngoài các cửa hàng chuyên bán tranh thêu, hiện nay một số tiểu thương tại các chợ: Đồng Xuân, chợ đêm sinh viên… đã nhập hàng về bán. Giá tranh thêu ở đây rẻ hơn so với thị trường khoảng 10 – 15%/mẫu, đối tượng phục vụ chủ yếu là sinh viên, học sinh.
Cùng với đó, số lượng shop bán tranh thêu chữ thập online trên các diễn đàn Lamchame, Webtretho, Enbac… cũng nở rộ. Chị Thanh Quỳnh, chủ shop bán tranh thêu trên diễn đàn Muare tâm sự: "Shop tranh online của tôi kinh doanh tương đối ổn định, doanh thu từ đầu năm đến nay tăng khoảng 20%; số lượt người truy cập mua và xem hàng khá đông".
Trước thị trường cạnh tranh sôi động như vậy, các dịch vụ kinh doanh đã thực hiện những chiến lược hút khách riêng biệt. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, hầu hết các chủ cửa hàng đều tìm mối nhập hàng giá rẻ và chất lượng tốt. Các chủ buôn bán tranh thêu đều nhập hàng từ Trung Quốc, giá mẫu thêu lấy tận nơi sản xuất dao động khoảng 10.000 – 600.000 đồng/mẫu. Vì vậy khi đem về bán có thể lãi gấp 2 – 3 lần so với giá gốc. Nhiều cửa hàng còn ký hợp đồng phân phối dài hạn với hệ thống tranh thêu chữ thập lớn của Trung Quốc như hệ thống Candy shop.
Để cạnh tranh hiệu quả, mỗi một loại hình dịch vụ đều có những chiến lược riêng. Các cửa hàng lớn thu hút khách hàng chủ yếu bằng thương hiệu và chất lượng sản phẩm; có catalog cung cấp toàn bộ kiểu tranh mới nhất để khách hàng có thể ngồi nghiên cứu và lựa chọn. Đồng thời, còn có dịch vụ tư vấn khách hàng chọn sản phẩm phù hợp với không gian nhà ở, phòng làm việc; dạy mẹo thêu…
Các shop tranh thêu online, mẫu hàng mới về đưa lên nhanh chóng, với đơn giá đi kèm. Khách hàng muốn mua chỉ cần đăng nhập tài khoản, cung cấp địa chỉ, có thể nhận hàng tận nơi, với giá rẻ và tiết kiệm thời gian. Tuy chất lượng hàng kém hơn so với các cửa hàng lớn, nhưng mặt hàng này bán khá chạy bởi giá cả rẻ phù hợp với những người có thu nhập trung bình hoặc thấp. Đặc biệt, khi mua tranh thêu ở các ki-ôt nhỏ lẻ tại chợ, còn được giảm giá so với giá gốc niêm yết khoảng 5.000 – 10.000 đồng/mẫu.
Nhưng vẫn tồn tại một hạn chế lớn, trong khi nhu cầu tranh thêu lớn như vậy mà vẫn phải nhập hàng từ Trung Quốc. Ở góc độ kinh doanh, thực chất chúng ta chỉ là người bán thêu cho họ. Người tiêu dùng hy vọng, những nhà sản xuất ở Việt Nam nghiên cứu, thiết kế, tạo thương hiệu độc quyền cho mình để có những sản phẩm tranh mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
Theo Thời báo kinh doanh