Trong một lần xem giới thiệu về gà Đông Tảo trên trang tạp chí, anh Nguyễn Hữu Minh, ở quận 9, TP HCM bị chúng thu hút bởi dáng đứng bệ vệ, cặp chân to xấu xí nhưng rất ấn tượng. Ý định sở hữu những chú gà quý hiếm trong vườn nhà thôi thúc anh đến nơi sản sinh ra loại gia cầm nổi tiếng này - xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Ban đầu anh mua vài con về chơi và chiêm ngưỡng chứ không có ý định kinh doanh. Tới khi mang về nuôi, bạn bè hàng xóm gợi ý anh nên nhập về bán vì nhiều người thích hàng độc, lạ nhưng không có điều kiện ra Bắc chọn hàng.
Sau khi vay mượn 400 triệu đồng từ bạn bè, anh mở trang trại rộng 1.000 m2 tại quận 9 (TP HCM) và tự mình ra Hưng Yên tuyển 50 con ưng ý nhất. Anh nuôi hết lứa này đến lứa khác nhưng chúng chết dần chết mòn vì dịch bệnh khiến toàn bộ vốn đầu tư mất trắng.
"Tôi không đành lòng nhìn bao công sức đổ sông đổ biển nên quyết chí thử lần nữa, bắt đầu từ việc tìm hiểu nguyên nhân giống gà này chết yểu, trong khi chúng phát triển khỏe mạnh ở Hưng Yên", anh kể lại. Nơi nào nuôi gà anh cũng lui tới tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, nghe chia sẻ của các bậc tiền bối trong nghề. Mất khá lâu, anh mới phát hiện ra căn bệnh đường hô hấp ở giống gà này và bắt đầu xây dựng quy trình nuôi có hệ thống để phòng chống bệnh tật.
Anh xây lại chuồng kiên cố, khoảng 2m2 cho 5 con gà (bao gồm 1 trống 4 mái) là vừa đủ. Để chuồng trại đảm bảo vệ sinh và ít bệnh tật, gà được nuôi trên trấu. Một tháng thay trấu một lần, một tuần 2 lần khử trùng chuồng trại bằng thuốc TH4. Vì gà Đông Tảo có nhược điểm về đường hô hấp, chúng yếu hơn so với gà bình thường nên khi mới sinh được vài ngày anh cho uống văcxin phổi, tiêu chảy, nhỏ mắt, mũi bằng thuốc CRD (thuốc đặc trị viêm đường hô hấp). Một tháng nhỏ 3 lần, sau 3, 7 và 21 ngày kể từ ngày gà nở trứng. Gà mới nở không cho ăn ngay mà để sau khoảng 48 giờ, khi đó hệ tiêu hóa của chúng cứng cáp hơn. Trong 2 ngày đầu chỉ cho gà con uống nước, ngày thứ 3 có thể cho ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa như: tấm, gạo, mè và từ ngày thứ 4 trở đi có thể cho ăn các loại thức ăn khác như thịt bò, châu chấu, dế. Loại gà này 6 tháng có thể sinh sản và xuất chuồng.
Với quy trình mới, gà Đông Tảo khỏe mạnh hơn giúp anh có những lứa gà đầu tiên cung ứng ra thị trường. Mới đầu chỉ vài chục con, dần dần số gà lên đến vài trăm rồi cả nghìn con. Quy mô chuồng trại tăng lên 2.000m2 với 2 nhân công chăm sóc và 2 người giao hàng.
Hiện một tháng anh xuất chuồng 300-600 gà thịt, giá dao động 300.000-700.000 đồng một kg. Thông thường một con nặng trên 4 kg nên doanh thu một tháng khoảng 300-500 triệu và lên đến cả tỷ đồng trong dịp Tết. Sau khi trừ tất cả chi phí và nhân công, bình quân mỗi tháng anh lãi vài chục triệu đồng. Đối tượng đặt mua chính là nhà hàng, quán nhậu ở khắp các tỉnh thành và những người có thú vui sưu tầm loại gà quý hiếm.
“Ngày xưa, quan lại thường mang gà này tiến Vua, thịt thơm ngon không lẫn với bất kỳ loại gà nào. Chúng có đôi chân lớn, lớp vảy thịt dày của gà Đông Tảo khi hầm giữ được độ sần sật, không bị mềm nhũn. Thịt của chúng nấu nước cốt chanh có tác dụng giải cảm, trị chứng mệt mỏi", anh cho biết. Với những con có trọng lượng gần 7kg, đôi chân thịt của chúng nặng hơn 1kg. Những con này có giá tới 35 triệu đồng, bởi đây là hàng độc, ít ai có thể nuôi dưỡng chúng tới trọng lượng này nên rất quý hiếm.
Gà này có hai loại, thuần chủng và lai. Nếu không tinh mắt, người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn khi chọn con giống. Theo anh Minh, gà lai có cân nặng chỉ bằng một nửa loại thuần chủng. Nếu trọng lượng của gà thuần chủng to nhất đến 7 kg một con thì gà lai nặng nhất cũng chỉ 3 kg.
Quan sát màu lông và mào sẽ biết chúng là trống hay mái. Đối với gà mái, lông cánh màu lá chuối khô, còn gà trống màu điều đậm. Mào của con gà trống to và hồng hơn gà mái.
Gà mái một lần đẻ tối đa 17 trứng. Vì khí hậu miền Nam ấm áp nên rất thích hợp cho loại gà này sinh sống. "Trọng lượng tối đa mà loại này đạt được khi nuôi ở miền Nam thường cao hơn so với miền Bắc", anh Minh chia sẻ thêm.
Hiện gà Đông Tảo được xếp vào loại gà quý hiếm của Việt Nam, giống gà này do dân làng Đông Tảo (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) tuyển chọn, thuần dưỡng và nuôi lưu giữ từ rất lâu đời. Gà Đông Tảo nổi tiếng bởi giống gà to con, dáng hình bệ vệ, có thể dùng làm gà cảnh, gà thịt và quý nhất là làm đồ cúng tế. Thân hình to, da đỏ, đầu oai vệ, cặp chân vững chãi là những điểm hấp dẫn những người nuôi loại gà này. |
Hồng Châu