Tháng 8/2023, He Ajun, 32 tuổi, ở Quảng Châu, Trung Quốc nghỉ việc trong lĩnh vực giáo dục. Hàng ngày cô dành thời gian chia sẻ với 8.400 người theo dõi không phải là kiến thức chuyên môn mà về quá trình thất nghiệp của bản thân. Điều này giúp cô trở thành người có sức ảnh hưởng (KOL) về vấn đề thất nghiệp trên mạng xã hội Trung Quốc.
Mỗi tháng He kiếm được 700 USD qua quảng cáo, biên tập nội dung và nhận tư vấn riêng.
"Trong tương lai các công việc tự do sẽ trở nên bình thường thay vì cố gắng giành một vị trí tại một công ty", He nói. Cô cũng khuyên lao động trẻ cần điều chỉnh định hướng công việc trong giai đoạn khó khăn như bán hàng trực tuyến hoặc làm đồ thủ công để tăng thu nhập.
He giống như nhiều người trẻ Trung Quốc đang tìm mọi cách mưu sinh, thậm chí chia sẻ mẹo sống sót nếu thất nghiệp kéo dài. Các từ khóa "thất nghiệp", "nhật ký thất nghiệp" đã đạt hơn 2,1 tỷ lượt xem trên nền tảng xã hội Xiaohongshu.
Trung Quốc đang chú trọng vào việc thúc đẩy tiến bộ khoa học, công nghệ và phát triển AI, robot. Điều này dẫn đến tình trạng suy giảm nhu cầu lao động ở nhiều lĩnh vực khác, khiến một bộ phận thanh niên có bằng cấp vẫn không tìm được việc làm.
Năm 2023, Trung Quốc có gần 12 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp. Lĩnh vực tài chính cũng đang sa thải hàng loạt. Một số công ty lớn như Tesla, IBM và ByteDance cũng đang cắt giảm nhân sự. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị trong nhóm tuổi 16-24 tăng vọt lên 17%, tính đến tháng 7/2023. Các nhà phân tích cho rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều.
Không chỉ sinh viên đại học, gần ba triệu người tốt nghiệp tại các trường cao đẳng nghề ở Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Họ dự kiến sẽ đảm nhận các công việc sản xuất, cung ứng dịch vụ cấp thấp nhưng cũng loay hoay trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển.
Trong khi lao động trẻ dư thừa, quốc gia này phải đối mặt với tình trạng thiếu chuyên gia lành nghề trong lĩnh vực hàn xì, chế tác gỗ, điều dưỡng viên và công nghệ kỹ thuật số.
Yao Lu, nhà xã hội học tại Đại học Columbia (Mỹ), ước tính 25% sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp đại học trong độ tuổi 23-35 đang đảm nhận công việc không phù hợp với trình độ. Điều này đồng nghĩa với việc hầu hết sinh viên đại học Trung Quốc sẽ phải chấp nhận mức lương thấp, đóng góp ít cho sự phát triển của nền kinh tế. Theo các chuyên gia, đây là sự lãng phí nguồn nhân lực đáng quan ngại.
Minh Phương (Theo Reuters)