Mỗi gia đình có hoàn cảnh không giống nhau, mỗi đứa trẻ có xuất phát điểm khác nhau, thì việc kiếm tiền và tiêu tiền luôn có sự khác biệt. Với gia đình tôi thì việc dạy con "4 trong 1" nhằm giúp trẻ nhận thức và hiểu giá trị đồng tiền thông qua những hoạt động vừa học, vừa chơi là điều rất quan trọng.
Thứ nhất - Kiếm tiền là động lực: Trong nhà tôi, kinh tế được gây dựng từ công việc làm công ăn lương của hai vợ chồng. Chúng tôi đều là con nông dân, lớn lên bươn chải để có tiền mua nhà Sài Gòn, cuộc sống ổn định là quá trình dài "cân đong đo đếm" mới có thành quả như hôm nay. Khi con nói tròn giọng, thể hiện rõ những nhu cầu trong sinh hoạt hàng ngày là lúc tôi dạy cháu biết được ba mẹ phải kiếm tiền cực nhọc như thế nào.
Cháu nhà tôi 5 tuổi, tên Thành An, có tên cún cơm là "Ken" - một nhân vật hoạt hình cháu thích. Ở nhà tôi, Ken sẽ phụ mẹ lau bàn ghế, quét dọn nhà, phụ chà rửa toilet, cọ giầy dép và tiền công cháu sẽ bỏ vào ống heo. Cháu có một con heo nhựa hay được cháu gọi là heo may mắn của Thành An, tiền kiếm được sẽ bỏ vào trong đó. Tôi thường liệt kê công việc và đánh số thứ tự, Ken sẽ đánh dấu việc nào đã làm, tự cho điểm theo thang từ 5 đến 10, sau đó cộng tổng lại. Tôi rất vui mỗi lần nhìn con giơ hai tay, hai chân hí hoáy cộng điểm lao động và cộng tiền công nhét heo.
Thứ hai - Tiết kiệm là cốt cách: Với tôi, kiếm tiền là động lực, tiết kiệm sẽ là cốt cách của con mình. Một đứa trẻ tiết kiệm tạo nên một xã hội tiết kiệm, thúc đẩy sự yêu thương và chia sẻ khi cần. Tôi dạy cháu việc ăn uống chừng mực không để dư thừa bằng trò chơi ai nhai kỹ hơn, ai ăn sạch hơn ngay từ bé. Bữa cơm luôn có đủ các món mặn, xào, canh, tráng miệng nhưng đều nấu và dùng vừa đủ lượng, không để dư thừa qua ngày mất dinh dưỡng, mà cũng không bỏ phí vào sọt rác. Bé Thành An ăn hết từng hạt cơm trong chén, trân quý từng 500 đồng tiền công khi nhét ống heo. Con luôn lựa rau cỏ giúp mẹ cẩn thận, tắt điện, tắt nước, quạt, máy lạnh và đèn led khi không dùng tới, nó trở thành một nét văn hóa ứng xử. Ken mỗi lần qua nội hay ngoại chơi đều rủ mấy anh chị em trong nhà trò chơi "thử thách ăn hết cơm", một trò chơi bé thuộc nằm lòng. Đến nay, chú heo may mắn đã khá căng bụng, còn cốt cách cháu lúc nào cũng tiết kiệm khi ăn vừa đủ, uống vừa đủ, tôn trọng quy tắc sử dụng điện nước trong nhà.
Thứ 3 - Tiêu tiền là cho đi: Ở nhà, tôi luôn có phương châm "Hãy mua thứ mình cần, chứ đừng mua cái mình thích", cần và thích là hai sự khác biệt. Cái mình cần thì nên ra tiền, cái mình thích mà không dùng tới thì nên xem xét thật kỹ có đáng để tiêu tiền không. Cách tiêu tiền của Thành An cũng ảnh hưởng từ cách dạy này, cháu sẽ phải lựa chọn món đồ nào cần sắm sửa và món đồ nào chưa cần thiết.
Có những món đồ cháu phải lấy tiền từ heo may mắn để mua thì sẽ phải đắn đo, tôi luôn hỏi: "Con mua đôi giầy đó hết bao nhiêu tiền", "Con thử tính xem cần cọ rửa toilet và lau nhà bao nhiêu giờ mới có đủ", "Con có nghĩ là đã dùng đến món đồ đó chưa?"... Đó là cách học mà chơi, chơi mà học, thì tiêu sài cũng như một trò chơi có tính chọn lựa rạch ròi. Thành An còn học cách tiêu tiền vào việc mua đồ ăn phụ ba mẹ, mua bánh kẹo cho mấy anh em hay bạn cùng xóm ăn chung, hay mua ủng hộ sầu riêng của bác bảo vệ mang dưới quê lên để cả nhà cùng mở "party cuối tuần".
Thứ tư - Quyên góp là nhận lại: Tiền thì khó kiếm nên ai cũng cần, ai cũng quý nhưng tiền không phải là tất cả, đó là điều tôi nghiệm ra từ chính cuộc đời mình. Bé Thành An sẵn sàng quyên góp tiền với ba mẹ mỗi dịp tôi hay ba cháu gợi ý. Cháu có cái tâm rất sáng và câu nói nằm lòng mỗi lần quyên góp: "con thích được chia sẻ, con cần phải chia sẻ, con muốn mọi người vui".
Vợ chồng tôi theo đạo Phật, chúng tôi tin vào nhân quả và đặc biệt thích được làm thiện nguyện trong khả năng của mình. Vậy nên Thành An luôn được hướng làm việc thiện, biết chia sẻ với người khác, với bạn bè xung quanh. Hai vợ chồng thường ra quy định "nạp tài vào heo may mắn" mỗi lần cùng cháu giải Sudoku, chơi cờ caro hay cờ cá ngựa. Đó là bên thua sẽ bỏ ra hai đồng, còn bên thắng là một đồng cùng bỏ vào heo, tiền đó sau này sẽ để dành cúng dường, làm việc thiện. Quyên góp ở góc độ trẻ thơ là hướng lái để sự nhận thức phải trân quý đồng tiền, phải yêu sức lao động, phải tiết kiệm, chi tiêu hợp lý nhưng cũng sẵn sàng cho đi khi thấy việc đó làm đẹp cho đời, cho tâm hồn mình, làm mọi người đều vui vẻ.
Trên đây là chia sẻ về cách nuôi dạy con vừa học vừa chơi của tôi, trong đó kiếm tiền bằng sức lao động chính đáng, tiết kiệm từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống, tiêu tiền vào mục đích chính đáng và quyên góp với tấm lòng "cho đi không đợi nhận lại" càng nhiều càng hạnh phúc.
Mai Thị Trang
Prudential và VnExpress phối hợp tổ chức cuộc thi "Chaching - Bé giỏi tiền hay" từ ngày 9/6 đến 21/7. Cuộc thi không chỉ giúp cha mẹ và con cái cùng nhau học thêm cách quản lý tiền mà còn là một cơ hội giúp cả nhà gắn kết hơn cũng như nhận phần thưởng bằng tiền mặt hấp dẫn. Trong đó, cơ cấu giải thưởng bao gồm: một giải Nhất trị giá 10 triệu đồng; hai giải Nhì, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 5 giải Ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải Yêu thích thông qua bình chọn của độc giả, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, 20 bài dự thi có chất lượng tốt nhất được chọn vào chung khảo sẽ nhận 500.000 đồng và một con heo đất của Prudential.
Xem chi tiết thể lê cuộc thi tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây