Gia cầm vô tư vào thành phố. Ảnh: Anh Tuấn |
Đại diện Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, với dân số 3,8 triệu người, mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 35-40 tấn gia cầm, trong đó 70% do các tỉnh lân cận cung ứng thông qua 171 chợ lớn nhỏ và hàng trăm tụ điểm kinh doanh. Nhưng lực lượng thú y toàn thành phố chỉ kiểm dịch được 30% số gia cầm từ các tỉnh nhập vào, 70% còn lại đành thả nổi, không biết nguồn gốc cũng như gia cầm có mầm bệnh hay không. Hà Nội được đánh giá là có lực lượng thú y quy mô (500 cán bộ thú y cơ sở, chưa kể cấp chi cục), nhưng cũng không thể rải hết quân để truy bắt.
Từ ngày mai, Hà Nội sẽ duy trì 11 chốt kiểm dịch, trong đó 9 chốt đóng tại các đầu mối giao thông. Nhưng Chi cục trưởng Thú y Trần Mạnh Giang thừa nhận, các chốt chỉ có thể kiểm soát được ôtô chở gia cầm, còn 97% xe máy, xe đạp không thể kiểm soát được. Lý do là những phương tiện này rất cơ động, thường đi đường vòng tránh chốt kiểm dịch.
Ông Nguyễn Văn Thông, Cục phó Cục Thú y, cho biết, miền Bắc đã phát hiện một ổ dịch cúm vào ngày 26/12 tại xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Chủ nhà tên Dinh phát hiện đàn gà có biểu hiện cúm nên đã báo lực lượng thú y tiêu huỷ. 5 ngày qua tại tỉnh này không phát hiện thêm ổ dịch nào. Theo ông Thông, tại miền Bắc, điều lo ngại nhất là gà từ Trung Quốc tràn vào. Hôm nay, tại Lạng Sơn, Cục thú y đã tổ chức hội nghị với các tỉnh biên giới bàn biện pháp ngăn chặn gà Trung Quốc nhập lậu. |
Ông Trần Mạnh Giang kêu gọi 6 tỉnh lân cận, gồm Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Tây, Bắc Ninh, Bắc Giang tăng cường kiểm tra trên đường đối với xe chở động vật và sản phẩm động vật. Những xe trốn tránh kiểm dịch phải được thông báo cho các trạm lân cận để có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Bản thân mỗi tỉnh cần đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh ở cơ sở chăn nuôi, cấp giấy chứng nhận kiểm dịnh động vật tại gốc, không để dịch lây lan.
Đáp lại lời kêu gọi của Hà Nội, chi cục thú y các tỉnh giáp ranh đều hứa sẽ làm hết sức mình, song họ thừa nhận không thể kiểm soát dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình. Trong khi số gia cầm thuộc diện này của Hà Tây chiếm 70% trong tổng đàn 10,5 triệu con, của Bắc Giang tới 80% trong tổng đàn 10 triệu con. Số gia cầm được kiểm dịch trên các tuyến giao thông và chợ đầu mối chỉ như muối bỏ bể.
Ông Trần Đức Vượng, Chi cục trưởng Thú y Bắc Giang, cho hay tỉnh chỉ lập được 2 trạm kiểm dịch giáp với Lạng Sơn và Quảng Ninh. Còn trên tuyến lưu thông với Thái Nguyên, Vĩnh Phúc không có trạm do quá tốn kém khi lập và duy trì hoạt động của trạm. Trung bình mỗi trạm 4-5 nhân viên, phải chi mỗi người 30.000 đồng/ngày. Bắc Giang quy định động vật ra khỏi huyện phải có giấy kiểm dịch do trạm thú y huyện cấp, ra khỏi tỉnh phải có thêm giấy của Chi cục Thú y. Nếu gia cầm ra khỏi tỉnh không có giấy tờ trên sẽ bị giữ lại, chờ xét nghiệm. Tuy nhiên, ông Vượng thừa nhận, chỉ có thể giữ tối đa 10% so với tổng số gia cầm vận chuyển ra ngoài tỉnh.
Chung lo lắng với Bắc Giang, ông Hoàng Văn Dũng, Chi cục phó Thú y Thái Nguyên than rằng tỉnh rất nghèo, kinh phí rót cho phòng chống dịch eo hẹp. Do đó tỉnh không có chốt kiểm dịch chuyên trách mà chỉ có 3 chốt kiêm nhiệm nằm trên quốc lộ 3 và gần như không phát huy tác dụng. Thái Nguyên chủ yếu tập trung kiểm dịch tại gốc, song cũng chỉ làm được ở 700 trang trại chăn nuôi. "Tôi đề nghị Cục tham mưu với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có biện pháp hỗ trợ cho các tỉnh nghèo. Nếu không, dù Hà Nội và các tỉnh có phòng dịch tốt mà Thái Nguyên thiếu kinh phí, làm không tốt thì dịch cũng tràn tới", ông Dũng nói.
Tỉnh Hưng Yên có đàn gia cầm 6,7 triệu con. Vào tháng 11 tại xã Toàn Thắng, huyện Kim Đồng, đã phát hiện đàn gà công nghiệp và vịt nghi cúm gia cầm. Nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm ở Hưng Yên là rất lớn, nhưng ông Vũ Công Thượng, Chi cục phó Thú y Hưng Yên, thừa nhận: "Công tác kiểm soát dịch bệnh tại gốc chúng tôi chưa làm được. Tỉnh chủ yếu chỉ mua thuốc sát trùng về cấp cho các trang trại phun tiêu độc khử trùng".
Như Trang