Đọc bài "Khi tiến sĩ thất bại vì ảo tưởng năng lực" tôi nhận thấy đây là suy nghĩ rất phổ biến tại Việt Nam, khi đa số dùng năng lực kiếm tiền để đánh giá con người.
Ở Việt Nam, chuyện này không hiếm khi xã hội chúng ta đang trải qua thời kỳ kinh tế thị trường và điều này là một kết quả, hay có thể gọi là hệ quả, của quá trình đó. Tuy nhiên, đây lại là một điều xa lạ với các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia tiên tiến.
Ở Việt Nam, không thiếu những người tung hê hot boy, hot girl và cuộc sống xa hoa của họ. Nhưng ngược lại các bài tương tự ở các nước tiên tiến là gần như không có, nếu có cũng mang hàm ý giễu cợt, châm biếm nhiều hơn.
Điều này là do ở các xã hội tiên tiến, việc nhìn nhận con người qua năng lực kiếm tiền chỉ là một phần và gần như không ai tung hô người có tiền mà qua tài sản cha mẹ hoặc thừa kế. Nếu bạn gặp một ông giáo sư ở Singapore, căn nhà chung cư của ông ấy có thể rất đơn sơ, thu nhập ông ấy chỉ có thể đủ sống nhưng ông ấy sẽ kể vanh vách cho bạn nghe về các công trình khoa học và số lượng trích dẫn trong các tạp chí nổi tiếng chuyên ngành.
>> 'Tuổi 35 mà chưa làm sếp, cần xem lại năng lực bản thân'
Ở Singapore, giới nghiên cứu khoa học có niềm tự hào và lòng tự trọng riêng. Họ có thể sẽ từ chối làm việc, hoặc thậm chí gặp gỡ tiếp xúc, với một tỷ phú nào đó nếu họ nghĩ rằng các giá trị nội tại không phù hợp. Tương tự như vậy, ở các nước tiên tiến, có những người là nhà thơ hoặc họa sĩ phải sống chật vật với thu nhập của họ nhưng rất hạnh phúc và với một niềm tin là ngày nào đó, các tác phẩm của họ được công nhận.
Dĩ nhiên là thỉnh thoảng họ vẫn phải xin trợ cấp hay nói nôm na là "ăn bám" chính phủ. Khi xã hội trở nên sung túc và đủ ăn hơn, các giá trị khác sẽ được nhìn nhận, điều nảy sẽ xảy ra ở Việt Nam. Nếu chúng ta nhìn lại các vĩ nhân trong lịch sử, không thiếu các thành phần mà nói vui là "ăn bám" này. Vicent Van Gogh vĩ đại chết trong nghèo túng và không danh phận. Mark Twain suốt đời chật vật về tài chính và khó mà viết văn được nếu không nhờ người vợ giàu có. Danh sách này còn rất dài.
Dĩ nhiên, thực tế ở Việt Nam và cũng như mọi xã hội khác thì phũ phàng, và mọi người thường phải chạy theo cơm áo gạo tiền. Rất tiếc là ở Việt Nam, những người không chạy theo việc kiếm tiền chưa có đủ thuận lợi về môi trường để làm việc mà họ muốn. Điều này làm chúng ta đang chảy máu chất xám. Tuy nhiên điều mà chúng ta phải luôn nhớ rằng là: kiếm tiền không phải là thước đo duy nhất cho một con người.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.