Hôm nay, Tổ công tác đột xuất của Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa tiếp tục làm việc với cán bộ và nhân viên Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 1 làm rõ thêm vụ nhận hối lộ 100 triệu đồng xảy ra hôm 1/8. Nhóm cán bộ liên quan gồm các ông Nguyễn Xuân Vịnh, Lê Chí Thanh, Lê Nguyên Chất, Nguyễn Thế Vinh, Đỗ Đình Chung, Lê Văn Hải bị yêu cầu giải trình chi tiết với đoàn thanh tra về buổi bắt giữ lô gỗ vận chuyển không giấy tờ.
Cùng ngày, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48, Bộ Công an) cũng triệu tập vừa triệu tập ông Hải, Vịnh, Thanh, Chất, Chung, Vinh cùng hai kiểm lâm Nguyễn Hữu Trung, Nguyễn Bá Phúc đến trụ sở ở Hà Nội để làm việc,
Theo tường trình của những người này, khoảng 21h30 ngày 31/7, ông Lê Văn Hải (Đội phó Kiểm cơ động số 1) nhận được nguồn tin báo qua điện thoại có một xe tải đang vận chuyển gỗ quý hiếm trên quốc lộ 1A từ hướng Nam ra và chuẩn bị qua địa phận Thanh Hóa. Ông Vịnh sau đó được lãnh đạo đơn vị giao đi trinh sát chiếc xe nhưng không phát hiện được gì.
6h30 ngày 1/8, tổ công tác gồm 6 kiểm lâm do ông Lê Đức Hải làm tổ trưởng thay thế tiếp nhận công việc. Đến 9h, tại khu vực cầu sông Lý (thuộc địa phận huyện Quảng Xương), nhóm kiểm lâm phát hiện ôtô tải nói trên nên yêu cầu dừng phương tiện.
Qua kiểm tra tổ kiểm lâm phát hiện, ngoài 22 m3 gỗ cẩm lai có đầy đủ hóa đơn chứng từ, trên xe còn có 20 tấm gỗ xẻ giáng hương (nhóm 1), tổng khối lượng hơn 1,5m3 không có hồ sơ được phép vận chuyển, ông Lê Đức Hải chỉ đạo lập biên bản và ông Vịnh được phân công ngồi trên xe gỗ để áp giải đưa về đội kiểm lâm cơ động số 1 xử lý. Lúc này trên xe có 3 người.
Sau khi nghỉ trưa, đến 15h, nhóm kiểm lâm ra kiểm tra xe gỗ và chỉ đạo bốc hàng xuống để đo khối lượng. 20 thanh gỗ giáng hương không có nguồn gốc xếp trên cùng được ông Lê Văn Hải và Lê Đức Hải yêu cầu đưa vào kho.

Số gỗ giáng hương, tang vật vụ án đang bị công an niêm phong. Ảnh: Công an cung cấp.
“Nghe báo cáo có xe tải chở gỗ hương trái phép, tôi giải thích cho ông Nguyên (chủ gỗ) hành vi vi phạm. Sau đó tôi chỉ đạo ông Lê Đức Hải hoàn thiện hồ sơ ban đầu để giao cho cán bộ pháp chế tham mưu cho lãnh đạo xử lý. Chỉ đạo xong, tôi đi về phía bãi giữ xe, trong phòng chỉ còn hai người này", Đội phó Lê Văn Hải tường trình và cho hay ông chưa ra đến bãi xe thì bất ngờ nghe tiếng la hét rồi công an ập vào bắt Lê Đức Hải.
Các kiểm lâm Nguyễn Xuân Vịnh, Lê Chí Thanh, Lê Nguyên Chất, Nguyễn Thế Vinh, Đỗ Đình Chung cùng cho biết sau khi đưa xe gỗ về trụ sở họ làm việc khác và "không biết gì" về việc tổ trưởng Lê Đức Hải nhận hối lộ 100 triệu đồng. Chỉ đến khi có tiếng hô, chạy ra thì thấy trụ sở bị công an bao vây.
Chiều 5/8, ông Nguyễn Văn Vân, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa), cho biết Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hoàng Linh (có trụ ở sở TP Vinh, Nghệ An, chủ sở hữu lô hàng) từng 3 lần bị Đội Kiểm lâm cơ động số 1 bắt và xử lý vi phạm về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép.
“Ngày 8/2, công ty bị phạt 80 triệu đồng vì vận chuyển trái phép hai xe chở gỗ trắc; hơn tháng sau, doanh nghiệp này tiếp tục bị xử phạt 75 triệu đồng. Chúng tôi đang lần lại hồ sơ xem có mối liên hệ nào với vụ việc mới đây hay không…”, ông Vân nói.

Công an làm việc với nhiều người để phục vụ điều tra vụ nhận hối lộ 100 triệu đồng của Lê Đức Hải. Ảnh: T. Thanh
Đánh giá về thuộc cấp Lê Đức Hải, ông Nguyễn Văn Hùng (Đội trưởng Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 1 Thanh Hóa) cho hay đây là cán bộ trẻ, có năng lực, nhiệt tình trong đấu tranh ngăn chặn buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Lê Đức Hải công tác tại đơn vị được 4 năm, chưa có vi phạm gì và mới được lãnh đạo bổ nhiệm làm trạm trưởng.
Tuy nhiên theo xác minh của VnExpress, vào năm 2011, Lê Đức Hải từng bị kỷ luật do vi phạm quy định ngành trong lúc thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, vào năm 2011, nhóm cán bộ thuộc Đội kiểm lâm cơ động số 1 (gồm ông Lưu Minh Hiệu, Lê Đức Hải, Nguyễn Hữu Hải, Vương Huy Tuấn) bị cáo giác có hành vi vòi tiền mãi lộ một xe chở gỗ biển số Bình Định.
Dù kết luận thanh tra tháng 10/2011 của Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa xác định “chưa đủ cơ sở khẳng định các cán bộ trên có hành vi vòi tiền mãi lộ”, song cho rằng các cán bộ kiểm lâm nói trên đã "vi phạm quy định của cán bộ công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ".
Hội đồng kỷ luật Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa kỷ luật ông Lê Đức Hải (khi đó đang là kiểm lâm viên) với hình thức kỷ luật khiển trách. Lý do là phát ngôn thiếu nghiêm túc, không tôn trọng người khác, làm ảnh hưởng đến uy tín lực lượng kiểm lâm…
Liên quan vụ việc, ông Lê Minh Hiệu (phụ trách đội), ông Nguyễn Hữu Hải (kiểm lâm viên) cùng nhận hình thức cảnh cáo, ông Vương Huy Tuấn (cán bộ pháp chế) nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Cả ba cán bộ này sau đó đều bị điều chuyển công tác, riêng Lê Đức Hải được giữ lại ở Đội Kiểm lâm cơ động số 1 với lý do "bồi dưỡng thêm về đạo đức, chính trị và nghiệp vụ”.
Lê Hoàng