Trao đổi với VnExpress, ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh văn phòng Sở giáo dục TP HCM cho biết, ngay sau khi sự việc bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non ở điểm giữ trẻ Phương Anh (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP HCM ) bị phát hiện, Sở đã đề nghị quận Thủ Đức điều tra làm rõ và xử lý đối với những người liên quan. Đồng thời, Sở cũng yêu cầu UBND phường Hiệp Bình Phước tổ chức kiểm điểm các cán bộ trong công tác quản lý địa bàn.
Theo ông Hoàng, nhóm lớp mầm non Phương Anh thực chất là một điểm giữ trẻ không phép do Lê Thị Đông Phương quản lý. Trước đó, do chồng Phương là giảng viên dạy nhạc nên hai vợ chồng này đã thuê lại ngôi nhà ở 18 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước để mở lớp dạy đàn cho trẻ 4-10 tuổi. Đến tháng 8, Phương mới chính thức nhận nuôi giữ trẻ tại nhà, lúc đầu chỉ có 3 em. Sau đó, Phương tuyển thêm Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi) vào làm cấp dưỡng và Nguyễn Thị Điều làm bảo mẫu.
Mặc dù trước đó đã nhiều lần bị UBND phường Hiệp Bình Phước lập biên bản, xử phạt và yêu cầu ngưng hoạt động nhưng Phương vẫn thản nhiên mở lớp, dạy trẻ. Cho đến ngày 13/12 sau khi công an phường này nhận được clip quay lại cảnh Phương và Lý bạo hành những đứa trẻ thì cơ sở này mới bị đóng cửa, tháo bảng hiệu.
"Trên nguyên tắc, Sở chỉ quản lý về mặt chuyên môn, còn trường mầm non là do quận quản lý; điểm mầm non, giữ trẻ là do phường quản lý. Lớp mầm non Phương Anh chưa hề được cấp phép hoạt động nên nó thuộc về quản lý của UBND phường Hiệp Bình Phước", ông Hoàng nói.
Về vấn đề này, bà Viên Thanh Ngoang, Chủ tịch UBND Phường Hiệp Bình Phước cho biết: "Cấp trên đã chỉ đạo chúng tôi họp kiểm điểm, còn xử lý như thế nào phải chờ kết luận điều tra. Sáng nay, phường đã tổ chức họp kiểm điểm vai trò của những cá nhân phụ trách trong lĩnh vực quản lý để xảy ra vụ việc trên địa bàn".
Theo bà Ngoang, khi bà Phương đến phường xin phép hoạt động đã được hướng dẫn lên Phòng giáo dục quận Thủ Đức hoàn tất các thủ tục theo quy định. Đến ngày 15/11, tổ kiểm tra liên ngành của phường kiểm tra cơ sở của bà Phương thì phát hiện tại đây có 9 trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và có thêm bảo mẫu Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi).
"Chúng tôi đã yêu cầu bà Phương ngưng ngay việc nuôi trẻ và tiếp tục hướng dẫn, yêu cầu bà Phương lên Phòng giáo dục xin phép hoạt động và yêu cầu bà tháo ngay bảng hiệu cơ sở", bà Ngoang nói.
Về việc cơ sở mầm non hoạt động trái phép chỉ cách UBND phường hơn một km và chưng bảng hiệu rất to nhưng địa phương không phát hiện sớm, bà chủ tịch phường khẳng định đã "xử lý ngay". Đến ngày phát hiện sự việc, phường lập tức phối hợp công an làm rõ hành vi sai phạm "chứ trước đó không nhận được phản ánh".
Cũng theo bà Ngoang, trong sáng 17/12, phường đã tiến hành kiểm tra và đình chỉ 2 cơ sở mầm non không phép, đồng thời tiếp tục kiểm tra toàn diện, quản lý trên địa bàn không để phát sinh trường hợp giữ trẻ không phép. "Đối với cơ sở có phép, chúng tôi tiếp tục kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu chủ cơ sở và giáo viên không được có những hành vi bạo hành trẻ em", bà Ngoang nói.
Theo thống kê của Sở Giáo dục Đào tạo, hiện TP HCM có 870 trường mầm non, trong đó 419 trường công lập, 451 ngoài công lập. Ngoài ra còn có 1.248 nhóm lớp mầm non với tổng số hơn 3.000 trẻ và tập trung nhiều nhất ở các khu đông dân cư như quận Bình Tân, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh... Đây là những quận có dân nhập cư tập trung rất đông và rất khó quản lý về mặt hành chính. Riêng quận Thủ Đức có 111 điểm giữ trẻ không phép. Trong buổi làm việc với UBND quận Thủ Đức trước đó, Giám đốc Sở giáo dục Lê Hồng Sơn đã yêu cầu quận phải đóng cửa tất cả các điểm giữ trẻ này, đồng thời hướng dẫn họ làm hồ sơ đăng ký với Phòng giáo dục. Số học sinh ở các trường học không phép này sẽ được chuyển sang trường công hoặc các trường đã được cấp phép.
Trong khi đó, việc xây trường mầm non ở các quận, huyện lại được UBND những nơi này dựa trên số lượng dân cư trên địa bàn. Song, tại những khu vực thiếu trường thường có lượng dân nhập cư đông, không thể thống kê, nhất là ở những khu chế xuất, khu công nghiệp... Chưa kể hàng năm số lượng trẻ ở tuổi mầm non tăng mạnh, việc xây dựng trường không theo kịp với sự gia tăng này nên việc thiếu trường lớp đã xảy ra nhiều năm nay và rất khó khắc phục.
Để hạn chế tình trạng bạo hành trẻ mầm non, Sở giáo dục đã xây dựng dự thảo trình UBND TP. Theo đó, Sở sẽ yêu cầu đóng cửa các trường mầm non không phép, đồng thời tuyên truyền các phụ huynh không gửi con ở những điểm này; tiến hành đào tạo kỹ năng nuôi dạy trẻ cho các giáo viên mầm non, phụ huynh học sinh. Ngoài ra Sở sẽ phối hợp các trường ĐH, CĐ dạy chuyên ngành mầm non để tăng cường thêm việc đào tạo kỹ năng cho giáo viên chuyên ngành này.
Nguyễn Loan - An Nhơn