Chiếc tàu biển chòng chành theo sóng khi neo đậu. Bác sĩ Nguyễn Thành Nhân, 45 tuổi, mặc áo phao, vai choàng túi dụng cụ y tế, đeo khẩu trang và găng tay, thận trọng trèo từng bậc thang dây lên boong tàu cao.
Công việc của anh là kiểm dịch viên tại chốt kiểm dịch phao số 0, chuyên kiểm dịch trên các tàu biển. Nhiệm vụ là kiểm tra thân nhiệt, sức khỏe, giám sát y tế khách trên tàu nước ngoài trước khi họ làm thủ tục lên đất liền tham quan. Chỉ hành khách đủ điều kiện sức khỏe, không sốt ho... mới được phép nhập cảnh vào đất liền. Những trường hợp có biểu hiện bệnh đường hô hấp, nếu kết hợp có yếu tố dịch tễ như đến từ hoặc đi qua vùng dịch, sẽ được đội kiểm dịch cách ly, đưa lên bờ.
"Công việc này càng khó khăn, đòi hỏi kỹ lưỡng hơn khi dịch Covid-19 có thể lây lan bất cứ lúc nào, cũng may đến nay chưa phát hiện trường hợp nào nghi ngờ", bác sĩ Nhân chia sẻ.
Chốt kiểm dịch y tế tại phao số 0 là điểm kiểm dịch xa nhất, duy nhất của TP HCM nằm ở cửa biển, trên địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ Cần Giờ vào trung tâm thành phố khoảng 50 km. Tất cả tàu biển muốn vào thành phố đều phải neo tại phao số 0 để kiểm dịch, làm thủ tục xin nhập cảnh, chờ hoa tiêu dẫn đường...
Sau khi kiểm dịch, khai báo y tế, khách đảm bảo sức khỏe mới được phép nhập cảnh để lên đất liền tham quan du lịch. Trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan nhanh, công tác kiểm dịch khách nhập cảnh trên tàu biển cũng được thắt chặt như hành khách đường hàng không.
Từ mờ sáng 10/3, đội trực của bác sĩ Nhân, khoa Kiểm dịch Y tế Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế TP HCM, đã lên ca nô ra phao số 0 ở cửa biển Cần Giờ. Họ bắt đầu làm công việc kiểm dịch y tế trên các tàu. Công việc này có ngày kéo dài đến tối mịt.
Từ đầu dịch Covid-19 đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 15 tàu nước ngoài qua phao số 0 vào cảng Hàng Hải TP HCM, so với bình thường khoảng 20 tàu. Bác sĩ Nhân và bác sĩ Mai Văn Ngọc (46 tuổi) phụ trách toàn bộ công tác đo thân nhiệt cho thành viên tàu khách tại chốt kiểm tra này. Họ phải thay phiên nhau đổi ca trực.
Kíp trực của bác sĩ Nhân gồm một thuyền trưởng, hai thủy thủ, hai kiểm dịch viên. Bác sĩ Nhân là một trong hai kiểm dịch viên.
Khác với các chốt kiểm dịch trên đất liền, bác sĩ ở đây mỗi lần tác nghiệp phải đu trên thang dây trèo lên tàu. Nghiệp vụ này đòi hỏi ngoài trình độ chuyên môn, kiểm dịch viên được chọn lựa còn phải đảm bảo về mặt thể lực và qua quá trình huấn luyện sơ bộ.
Mười năm làm công tác kiểm dịch trên tàu biển, bác sĩ Nhân không quá khó khăn để thực hiện thao tác leo thang dây khi di chuyển giữa các tàu. Anh đợi đến lúc ngọn sóng vừa xô đến đẩy ca nô của đội kiểm dịch lên cao sẽ bám lấy thang dây, nhanh chóng leo lên tàu.
Trên boong tàu, bác sĩ Nhân và đồng nghiệp lần lượt tiến hành đo thân nhiệt cho từng người khách. Đây là thao tác cuối của hoạt động kiểm dịch. Trước đó, thuyền trưởng đã gửi khai báo y tế bắt buộc để kiểm dịch viên nắm thông tin.
Bác sĩ Nhân cho biết, hiện du khách trên các tàu cập phao số 0 khi kiểm dịch y tế đều có thân nhiệt bình thường, chưa ai có biểu hiện sốt hoặc dấu hiệu bệnh.
"Đây là công việc cực kỳ vất vả và nguy hiểm", bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế TP HCM chia sẻ.
Khách nước ngoài nhập cảnh TP HCM bằng đường biển vẫn phải khai báo y tế và giám sát thân nhiệt như khách nhập cảnh bằng đường hàng không. Đến nay một số tàu biển chở khách du lịch bị từ chối nhập cảnh TP HCM, nếu Sở Y tế nghi ngờ có thể làm lây nhiễm nCoV.
Hồng Ngân