McGrath 25 tuổi khi tốt nghiệp đại học năm 2013 giữa thời kỳ suy thoái kinh tế, không biết mình muốn làm gì và triển vọng công việc ảm đạm. Nghe tin chính phủ Mỹ tuyển dụng người làm việc tại quầy phục vụ ăn uống và vệ sinh ở trạm McMurdo, trung tâm nghiên cứu của Mỹ xây dựng trên đá núi lửa ở đảo Ross, vây quanh là núi, tuyết và băng ở Nam Cực, cô lập tức bị thu hút và nộp đơn.
Phải chờ vài năm xét duyệt mới được chấp nhận, McGrath cuối cùng lên một chuyến bay quân sự từ New Zealand tới cực nam của Trái Đất.
"Mấy ai được đi Nam Cực cơ chứ", McGrath kể lại hôm 25/1. "Tôi là người gốc Florida, nên thậm chí chưa từng sống ở nơi khí hậu lạnh giá".
Khi tới nơi, cô được thông báo nhiệm vụ làm việc trong bếp, rửa chén bát và phục vụ đồ ăn cho nhân viên trạm McMurdo. Cole Heinz, 29 tuổi, người đã làm việc tại McMurdo trong thời gian dài, được giao nhiệm vụ huấn luyện McGrath cùng vài người mới đến. Anh nhớ lại khoảnh khắc lần đầu nhìn thấy McGrath.
"Tôi bước vào và sững sờ", Heinz nói.
McGrath thì vẫn nhớ như in hình ảnh chàng trai người Texas tóc đỏ đội mũ bóng chày. "Ồ, anh ấy thật dễ thương", cô nghĩ bụng.
"Tôi tới Nam Cực để tìm chồng đấy", cô nói, nhìn sang Heinz khiến anh bật cười.
Lời nói đùa phần nào phản ánh sự thật rằng 75% người ở trạm McMurdo là đàn ông. McGrath và Heinz, hai người xa lạ, khi đó nhanh chóng nhận ra họ có điểm chung là khiếu hài hước.
"Tôi nghĩ điều thu hút chúng tôi đến với nhau vào ngày đầu tiên là chúng tôi đã nói đùa rất nhiều, khiến đối phương bật cười", McGrath nói.
Có nhiều người mới đến cùng tham gia huấn luyện hôm đó và trạm McMurdo luôn có rất nhiều hoạt động. Thật khó để tìm được giây phút riêng tư nhưng McGrath và Heinz tình cờ ăn trưa chỉ hai người với nhau trong ngày đầu tiên gặp gỡ.
"Chúng tôi cùng nhau dùng bữa, không hẳn là hẹn hò, nhưng giống như một bữa trưa riêng tư chỉ có hai người trong ngày đầu tiên", Heinz nói.
Khi McGrath dần ổn định công việc, cô thấy bầu không khí ở McMurdo rất giống thời đại học. Mọi người sống trong ký túc xá, tổ chức nhiều tối xem phim chung và các sự kiện. Bầu không khí rất thân thiện.
Sóng wifi chập chờn, máy tính dùng chung, không có tín hiệu điện thoại di động, khiến những người trong trạm nhanh chóng kết nối với nhau.
"Ở đây thực sự là một cộng đồng lớn, bởi ai cũng như nhau, đều cách xa gia đình hơn 16.000 km", Heinz bày tỏ.
Giữa những ngày làm việc bận rộn, Heinz và McGrath vẫn tìm thấy thời gian trò chuyện cùng nhau. Heinz thường ghé qua nơi làm việc của McGrath trong phòng ăn. Ngày thứ ba tới Nam Cực, McGrath hẹn Heinz đi chơi buổi đầu tiên. Cô đề nghị đi bộ tới Hut Point để xem Lều Khám phá, túp lều từng được nhà thám hiểm người Anh Robert F.Scott sử dụng trong chuyến thám hiểm Nam Cực 1901- 1904.
"Nơi đó giống như cách đây 100 năm, lạnh và thiếu độ ẩm, mọi thứ được bảo quản hoàn hảo", McGrath giải thích.
Hai người trò chuyện suốt quãng đường, thưởng thức cảnh quan ngoạn mục trên con đường đầy tuyết in dấu chân người. "Quang cảnh rất đẹp, lạnh giá, hoang vắng", cô kể.
Quay lại McMurdo, hai người tới khu uống cà phê và dành cả ngày trò chuyện, chơi cờ với nhau. Họ hôn nhau lần đầu và luôn bên nhau từ khi đó tới nay.
"Đó là câu chuyện tình của chúng tôi", McGrath nói.
Hai người kết hôn khi trở lại Florida năm 2017 và chuyển tới Texas sinh sống. McGrath tiếp tục học ngành quy hoạch thành phố và tốt nghiệp khi mang thai con đầu lòng 7 tháng. Gia đình họ hiện sống ở New York.
McGrath và Heinz chuyển tới phía bắc một phần vì công việc của cô, một phần vì họ nhớ cái lạnh Nam Cực. Heinz làm việc trong ngành hàng không vũ trụ, anh bắt đầu hứng thú với vận tải hàng không trong thời gian cuối làm nhiệm vụ ở McMurdo.
Hai người vẫn thân thiết với nhiều người họ đã gặp trong thời gian ở Nam Cực. Họ luôn khuyến khích người khác nắm bắt cơ hội làm việc ở đó.
"Tôi luôn cố gắng thúc đẩy mọi người đến làm việc. Tất nhiên là với chúng tôi, quãng thời gian ở Nam Cực có ý nghĩa rất lớn vì chúng tôi đã gặp nhau ở đó. Nhưng ngay cả khi bạn không tìm được nửa kia của mình như chúng tôi, chỉ cần trải nghiệm sống và làm việc ở đó đã đủ để thay đổi cuộc đời", McGrath nói.
Hồng Hạnh (Theo CNN)