Ở Bắc Kinh, Lôi Căn học chuyên ngành khoa học tự nhiên. Tháng 3/2024, anh phát hiện viết hồi ký cho người cao tuổi có thể kiếm được 30.000 tệ cho một cuốn khoảng 200 trang. Trong nửa năm qua, anh đã hoàn thành hồi ký cho ba người trên 70 tuổi.
Lôi Căn nằm trong số nhiều người, ở nhiều ngành nghề khác nhau đang bắt kịp ngành kinh tế "hốt bạc" này.
Tính đến cuối 2023, Trung Quốc có 296 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 21% tổng dân số. "Kinh tế tóc bạc" được coi là xu hướng tiếp theo. Trên mạng, các quảng cáo và những thảo luận về ngành này sôi nổi với những chủ đề như "Viết một cuốn hồi ký có thể kiếm được 30.000 tệ", "Tốt nghiệp trung học vẫn kiếm được hàng tháng 20.000 tệ", "Kiếm được 100.000 tệ không khó bằng công việc tay trái".
Thái Vi, người làm việc trong một nhà xuất bản, gần đây thấy một blogger làm hồi ký cho người lớn tuổi nên cũng tham gia vào lĩnh vực này. Cô đã viết được một cuốn và kiếm được 20.000 tệ. Thái Vi cho biết cháu ngoại của người này đã liên hệ và chi tiền cho cô viết.
"Cái khó không phải là viết, mà là làm sao tìm được khách hàng lớn tuổi", cô cho biết. Ngoài đăng trực tuyến, cô còn tổ chức các chiến dịch quảng bá tại địa phương, nhắm đến những cụ ông, cụ bà có điều kiện kinh tế.
Ở Thành Đô, Triệu Vũ Hy, chủ một công ty chuyên viết hồi ký, chia sẻ rằng ông ngoại anh mất năm 2016. Lúc đó anh cảm thấy nếu có người giúp ông ngoại viết hồi ký sẽ bù đắp được rất nhiều tiếc nuối trong cuộc đời.
Năm 2018, Vũ Hy thành lập một nhóm nhỏ để nhận các đơn đặt hàng, ba năm sau lập công ty. Hiện nay, công ty có 10 nhân viên và đã phục vụ hơn 30 người cao tuổi. Một cuốn hồi ký hơn 200 trang, trước đây anh Vũ Hy tính phí từ 30.000 đến 100.000 tệ, nay giảm xuống còn 10.000 - 30.000 tệ.
Quy trình viết hồi ký thuê được chia thành sáu bước: trao đổi ban đầu, phỏng vấn chính thức, soạn thảo nội dung, kiểm tra và chỉnh sửa, duyệt bản cuối cùng và xuất bản thành sách. Các cuộc phỏng vấn chính thức được thực hiện hàng tuần, mỗi lần hai giờ. Một cuốn thường mất từ một đến ba tháng để hoàn thành.
"Chúng tôi cũng đang hợp tác với các viện dưỡng lão, trường đại học dành cho người cao tuổi", vị giám đốc này cho biết.
Tháng 6 năm nay, công ty anh lần đầu tiên tham gia triển lãm Dịch vụ Chăm sóc Người cao tuổi quốc tế lần thứ 7 tại Thành Đô. Là công ty viết hồi ký thuê duy nhất tại triển lãm, họ đã nhận được hơn 100 đơn đặt hàng trong ba ngày. Người thuê dịch vụ của anh ngày càng trẻ hóa. "Ngoài người cao tuổi, một nửa khách hàng là những người trẻ đặt dịch vụ cho cha mẹ mình", anh nói.
Có nhiều lý do người cao tuổi muốn viết hồi ký. Một số muốn ghi lại trải nghiệm của mình để chia sẻ hoặc truyền lại kinh nghiệm trí tuệ cho thế hệ sau. Người phỏng vấn đóng vai trò như một người trị liệu tâm lý, an ủi và khích lệ khi khách hàng cao tuổi hồi tưởng lại những trải nghiệm trong quá khứ.
Khi nhận được cuốn hồi ký, các cụ ông cụ bà thường rất vui. Họ sẽ giới thiệu cuốn sách cho bạn bè và người thân, chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình. Mọi người cũng sẽ dành cho họ sự tôn trọng và ngưỡng mộ. "Đó cũng là một loại cảm giác mãn nguyện, thậm chí cảm giác này còn giúp gia tăng sự gắn kết gia đình", Vũ Hy nhận định.
Anh rất lạc quan về sự phát triển của dịch vụ viết hồi ký thuê trong tương lai và tin rằng "việc viết hồi ký có thể sẽ trở nên tự nhiên như chụp ảnh cưới".
Dù vậy, nhiều người khác không tin về nghề này, bởi nhiều người đang quảng bá nó như một nghề "hái ra tiền", kiếm được nhiều tiền, sau đó xoay ra bán các khóa học.
Một blogger mở khóa học "Tốt nghiệp cấp 2, viết hồi ký có thu nhập 20.000 tệ mỗi tháng" nhưng bán khóa dạy viết hồi ký chưa tới 300 tệ. Một người chỉ từng viết ba hồi ký cũng mở nhiều khóa huấn luyện "AI + hồi ký", đào tạo hàng trăm học viên với học phí 500 tệ.
Bảo Nhiên (Theo Worldjournal)