Hiện hai tài khoản Douyin (mạng xã hội video), của người đàn ông 49 tuổi có tổng cộng 495.000 người theo dõi. Trong khi bộ sưu tập clip của Liu đã đạt mức 540 triệu lượt yêu thích từ khi mở tài khoản năm 2022.
Liu tiết lộ khoảng một nửa số nữ giới mà anh quay, chụp đều là người có ảnh hưởng, phần lớn trong số đó sẽ báo trước lịch trình di chuyển để ekip chủ động ghi hình, còn số khác sẽ ngẫu nhiên.
"Suy cho cùng, mọi người từ khắp Trung Quốc đều đến khu mua sắm sang trọng Yuanyang Taikoo Li để phô diễn vẻ đẹp của bản thân và xác định có thể nổi tiếng bất cứ lúc nào", anh nói.
Công việc Liu đang làm được gọi là "jie pai" (nhiếp ảnh gia đường phố). Ngành nghề này ngày càng nở rộ tại các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thành Đô khi biến các bức ảnh có vẻ bình thường trở nên nổi tiếng.
Giờ đây, các khu vực quanh khu thương mại đang ghi nhận sự tập trung đông đúc của nhiều nhà quay phim và nhiếp ảnh gia. Tại đây, họ liên tục ghi lại hình ảnh của những người nổi tiếng, các fashionista (người sành thời trang) và chia sẻ lên mạng xã hội. Đơn cử như mạng xã hội Douyin có thể trả 3-8 tệ (10.000-26.000 đồng) cho 10.000 lượt xem.
Olivia Plotnick, người điều hành công ty marketing mạng xã hội Wai Social ở Thượng Hải cho biết những địa điểm vui chơi như Yuanyang Taikoo Li giống như "sàn catwalk ngoài trời cho tất cả mọi người".
"Bên cạnh những người được các nhiếp ảnh gia chủ động chụp, nhiều trường hợp muốn nổi tiếng sẵn sàng bỏ tiền để được "lên sóng". Và kết quả là nhiều người đã đạt được sự nổi tiếng chỉ sau một đêm, sở hữu được một lượng người theo dõi đáng kể và bắt đầu có nhiều cơ hội việc làm từ các nhãn hàng", bà Olivia nói.
Yang, một nhiếp ảnh gia đường phố, được một công ty truyền thông thuê chụp những người phụ nữ xinh đẹp ở Yuanyang Taikoo Li. "Khách hàng thường yêu cầu tôi chụp những người có mức độ ảnh hưởng nhất định hoặc đang nổi tiếng. Còn lại, tôi có thể chụp mọi người, miễn sao họ đẹp", anh nói.
Tại Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, các nhiếp ảnh gia được trả 2.400-3.500 tệ (8-11,5 triệu đồng) để chụp ảnh cho các công ty quản lý tài khoản mạng xã hội về nhiếp ảnh đường phố, theo các quảng cáo tuyển dụng. Ứng viên cần có máy ảnh cơ, khả năng chụp 25-30 người trong 4 tiếng mỗi ngày và làm việc 20 ngày mỗi tháng.
Nhưng không chỉ các nhiếp ảnh gia có nhu cầu. Nhiều thương hiệu thời trang ở Thâm Quyến (Trung Quốc) cũng thuê người mẫu đi quanh các khu mua sắm sầm uất với giá 6.000-11.000 tệ, hy vọng lọt vào tầm ngắm của các tay săn ảnh như một cách quảng cáo ngầm.
Xuất hiện từ lâu nhưng Jie pai bắt đầu nhận sự quan tâm ở Trung Quốc hồi tháng 6 năm nay, khi một người quay phim ghi lại hình ảnh một phụ nữ mặc váy hồng in hoa đang nắm tay bạn trai tại Taikoo Li.
Người dùng mạng nhanh chóng xác định người đàn ông này là Hu Jiyong - thời điểm đó là giám đốc điều hành và tổng giám đốc của Beijing Huanqiu Engineering Project Management, công ty con của doanh nghiệp nhà nước China Oil.
Đáng chú ý, người đàn ông đã có gia đình và cô gái đi cùng là đồng nghiệp của Hu. Sau sự việc, cặp đôi đã bị cho nghỉ việc.
Trong một bài xã luận, hãng truyền thông nhà nước Global Times lo ngại công việc nhiếp ảnh thời trang đường phố liệu có đang vượt ranh giới giữa đạo đức và pháp luật. Nhất là khi nhiều hình ảnh được quay chụp khi không được phép hoặc xuất hiện các bức ảnh nhạy cảm với mục đích thương mại.
Người phát ngôn của Swire Properties, công ty điều hành cả khu mua sắm Taikoo Li ở Thành Đô và Bắc Kinh, cho biết việc chụp ảnh khách hàng đã trở thành nét độc đáo tại đây. "Nhưng nếu có bất kỳ hoạt động vượt quá giới hạn được báo cáo, chúng tôi sẽ thực hiện các hành động cần thiết", người phát ngôn nói.
Về phía các nhiếp ảnh gia đường phố, họ khẳng định sẽ ngừng chụp và xóa ảnh nếu những người phụ nữ không thoải mái.
"Một số người sẽ cảm thấy thất vọng nếu không được ai chụp ảnh khi đến Taikoo Li. Trong khi những người khác lại nói: "Nếu muốn biết bản thân có xinh đẹp hay không, hãy đi dạo quanh Taikoo Li và tìm kiếm câu trả lời từ những người chụp ảnh ở đó'", Liu kể.
Minh Phương (Theo Straits Times)