Ruộng hoa cho năng suất rất cao. Ảnh: An Ninh Thủ Đô. |
Trong khi bạn bè đổ xô vào kinh doanh những mặt hàng “hot”, anh Tuấn, vốn là một công dân Hà Nội “xịn” lại lên tận núi rừng. Điêu đứng, khốn khổ vì yêu hoa, lại mang tiếng là “hâm”, nhưng Phạm Ngọc Tuấn vẫn tin có một ngày mình sẽ nhuộm cả Hà Nội trong những sắc màu thiên nhiên rực rỡ.
Tuấn vốn là một kỹ sư điện tử chuyên ngành âm thanh, một nghề vốn chẳng dính dáng gì đến hương sắc thiên nhiên cả. Anh từng tốt nghiệp ĐH Bách khoa Kiev.
Về nước từ năm 2000, đến năm 2002 anh thành lập một công ty cung cấp máy tính. Tình cờ anh được xem một chương trình của VTV nói về nghề trồng hoa, nhìn những bông hoa sặc sỡ, đẹp mê hồn bỗng dưng Tuấn như bị ma ám. Anh mê mẩn với những phương cách tạo ra một bông hoa đẹp, anh về bàn với vợ: "Hay là mình chuyển sang kinh doanh hoa?".
Ban đầu, chị Thảo nghe chồng đề xuất thế phì cười: “Hâm! Nhà có mấy chậu hoa, cả đời chẳng thấy anh tưới bao giờ mà nay lại đòi kinh doanh hoa”. Không giận, anh cứ lẳng lặng bắt đầu quá trình tìm hiểu về cách trồng các loại hoa theo cách của mình. Không có kiến thức, Tuấn mò lên tận Sa Pa để tận mắt xem Viện Di truyền trồng thử nghiệm hoa ly lần đầu tiên tại Việt Nam.
Xem xong rồi mê mẩn, anh về tìm sang Viện Sinh học của ĐH Nông nghiệp I để học hỏi thêm kinh nghiệm. Rất may khi đó anh gặp Tiến sĩ Nguyễn Quang Thạch, Viện trưởng Viện Sinh học. Ông Thạch khi đó rất ngạc nhiên khi thấy một ông chủ doanh nghiệp lại có ý định kinh doanh hoa bèn tư vấn: Nếu muốn thì nên trồng hoa hồng vì đây là loại hoa tương đối dễ trồng.
Với 1 ha đất nếu chăm tốt sẽ cho 10 triệu cành. Anh Tuấn nhớ lại: "Khi đó trong đầu mình nảy ngay ra một bài toán, giá hoa hồng là 500-700 đồng mỗi bông. 10 triệu cành sẽ cho thu nhập từ 5-7 tỷ. Thời gian trồng lại ngắn. Cơ hội hốt bạc rõ như ban ngày".
Với 1,2 ha đất thuê được của ĐH Nông nghiệp I, Tuấn hăm hở mua nhà vườn, cây giống về bắt tay vào thực hiện. Dự án kiếm 5-7 tỷ đồng tiền hoa đổ vỡ ngay trong lần thực hiện đầu tiên. Năm ấy, Tuấn lỗ nặng tới 700 triệu tiền vốn vì đầu tư không nghiên cứu kỹ phương thức. Có bắt tay vào mới hiểu, muốn trồng hoa không dễ chút nào.
Ban đầu là chuyện giống má, rồi đến vấn đề phân bón, thổ nhưỡng, khí hậu cùng trăm thứ bà dằn khác. Không kinh nghiệm, không kiến thức nông nghiệp, không thể làm nổi, Tuấn nghĩ vậy nên anh quyết định bắt tay vào nghiên cứu. Rút cuộc, anh nhận ra một điều là khí hậu miền Bắc không thể thích hợp để trồng hoa quanh năm, hai vợ chồng bàn nhau bỏ phố lên rừng. Cuối năm 2004, anh lặn lội lên tận Mộc Châu hỏi thuê đất.
Đây là vùng cao nên nhiệt độ thích hợp cho việc trồng trọt. Anh thức ngày thức đêm, nhập hạt giống, nghiên cứu cách trồng hoa của Hà Lan rồi về áp dụng vào mô hình của mình. Hiện giờ, những vườn hoa ly, hoa tulip của anh nhanh chóng phát triển. Đến giờ Tuấn vẫn tự hào, mình là người cung cấp chủ yếu hoa tulip cho 90% thị trường Hà Nội. Đấy là chưa kể đến các loại khác như ly, hồng...
Trên Mộc Châu, người ta vẫn truyền miệng nhau câu “tuyên ngôn” của Tuấn: Trồng hoa thu được... siêu lợi nhuận. Người dân bản Búa thi nhau bỏ ruộng với một vụ lúa mỗi năm để quay sang trồng hoa theo Tuấn. 5 ha hoa của anh năm 2006 cũng mang về 6,1 tỷ, đến năm 2007 là 7,1 tỷ.
Anh Tuấn bảo, tương lai anh sẽ chuyển hướng về giống, công nghệ, kỹ thuật cùng bà con chuyển sang trồng thêm hoa màu để cung cấp rau quả sạch cho thị trường Hà Nội.
"Những sản phẩm miền núi này sẽ có mặt đàng hoàng tại những siêu thị của Hà Nội như Hapro, Fivimart. Mình sẽ giúp bà con làm nhà lưới để họ trực tiếp sản xuất, còn mình sẽ đảm bảo đầu ra. Bấy lâu nay, tiềm năng đất, khí cả vùng Mộc Châu rất lớn mà bị bà con bỏ phí quá" anh hồ hởi.
(Theo An Ninh Thủ Đô)