Kịch do Thành Hội đạo diễn, kể về cuộc sống của người nông dân Nam bộ những năm 80 của thế kỷ 20, xoay quanh chuyện tình của Tấn (Đoàn Minh Tài đóng) và Huyền (Lê Thúy thủ vai).
Lạc dòng mở ra bằng bối cảnh làng quê mộc mạc đậm chất miền Tây với bụi chuối, rặng tre, chiếc võng cùng hình ảnh đôi trai gái đang yêu nhau. Thế nhưng, sóng gió ập đến khi bà Tám Nho (nghệ sĩ Bích Ngọc) - bà ngoại của nhân vật Huyền - từ Pháp về quê để ép gả Huyền cho một người giàu có. Trước áp lực của bà và lòng tham sẵn có, bố mẹ Huyền tìm mọi cách chia cắt tình cảm của con gái với Tấn, dẫu trước đó mối tình được hai gia đình đính ước.
Tác phẩm đưa người xem đến với nhiều xung đột đan xen, như xung đột giữa ông nội (ông Sáu, nghệ sĩ Thành Hội) với cha Huyền (ông Kính, Thái Quốc đóng) khi người cha quyết giữ trọn lời hẹn ước năm xưa vun vén cho tình yêu của hai cháu, còn người con bội ước để chạy theo tiếng gọi của đồng tiền và vật chất. Xung đột và mâu thuẫn nội tâm của ông Kính khi trái ý, bất hiếu với cha vì những đồng tiền từ bà mẹ vợ và thói quen muốn được an nhàn hưởng thụ. Bản thân ông Kính cũng có nỗi niềm day dứt khi ngày trẻ, từng phụ tình cảm của bà Hiền (mẹ Tấn) để cưới vợ giàu.
Tác phẩm còn thể hiện sự đau đớn đến giằng xé của nhân vật Hiền, mẹ Tấn (Ái Như thể hiện) khi hai lần trong đời bà bị khước từ tình cảm: Một lần năm xưa khi ông Kính phụ bà để chạy theo tiếng gọi của đồng tiền và ở hiện tại, khi con trai bà có nguy cơ đánh mất hạnh phúc vì cái nghèo.
Những va chạm trong mối quan hệ tình cảm của các nhân vật được xây dựng trên bối cảnh một vùng quê miền Tây, ở đó, sự tha hóa trong phẩm chất của con người không chỉ tác động đến gia đình anh ta mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống xóm làng, người dân. Vở nhắc đến hiện tượng đất sụt lở do một số cá nhân vì tham tiền, vun vén món lợi riêng mà làm bờ bao đê gây sạt lở đất, phá hủy môi trường sống.
Bên cạnh nét diễn bi của các nhân vật chính như bà Hiền, ông Sáu, Huyền và Tấn, tác phẩm tạo được tiếng cười qua một số tình huống hài hước với diễn xuất của nghệ sĩ Bích Ngọc (trong vai bà Tám Nho) và Khiết Hương (vai bà Năm Vảnh). Bà Năm bị lãng tai, gây cười nhờ nét quê mùa, chân chất của người quê miền Tây. Còn bà Tám đại diện cho hình ảnh những kẻ tham lam, ích kỷ và có phong cách "trưởng giả học làm sang. Ngoài ra, cách diễn tự nhiên của bé Huyền Trang trong vai Lành (em gái của Tấn) chinh phục cảm xúc khán giả.
Lạc dòng do cố soạn giả Ngọc Linh viết (trước đây có tên Đất lở). Khoảng năm 1997, nghệ sĩ Ái Như từng dựng vở kịch truyền hình từ tác phẩm. Hơn 20 năm sau, vở diễn được Ái Như - Thành Hội dựng trên sân khấu với một số thay đổi để phù hợp với bối cảnh hiện tại. Dẫu vậy, chất nhân văn và ý nghĩa thời sự của vở diễn vẫn đong đầy, nhất là thông điệp về tình nghĩa, đạo lý làm người và giáo dục con người cùng chung tay ý thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống.
Tác phẩm được đông đảo khán giả đón nhận trong suất diễn đầu tiên tối 1/5. Vở còn suất 16 giờ ngày 12/5, tại TP HCM.
Nguyên Hoàng