"Con biết sao không, hồi xưa, biển ngọt ngây hà. Rồi có người đàn bà bị chồng bỏ, ngồi khóc than. Nước mắt hòa với nước biển, tạo nên vị mặn chát như bây giờ", lời kể của nhân vật Sáu Thôn là một trong những câu thoại ám ảnh ở vở kịch mới nhất tại sân khấu Hoàng Thái Thanh. Tác phẩm chuyển thể từ truyện ngắn Chuyện tình bên sông của nhà văn Việt Khuê, được tác giả Hoàng Thái Thanh - Hoa Hiền dàn dựng. Vở quy tụ nhiều diễn viên như Nghệ sĩ ưu tú Thành Hội, Ái Như, Đoàn Thanh Tài, Hoàng Vân Anh, Thái Quốc, Bích Ngọc...
* Trailer kịch "Hồi xưa biển ngọt"
Vở kịch bắt đầu bằng dòng hồi ức chập chờn, nửa tỉnh nửa mê của bà Bún. Thuở ấy, ở một xã duyên hải miền Trung, Bún là cô gái bán chè được Sáu Thôn lẫn Cả Sang theo đuổi. Dù Sáu Thôn hết mực thương yêu, Bún chỉ một lòng ưng thuận lấy Cả Sang. Cuộc sống êm đềm trôi qua khi cả hai cưới nhau và đón con gái đầu lòng, dù thỉnh thoảng Bún phải chịu sự soi mói, chì chiết của bà cô bên chồng. Một ngày, Sang chia tay vợ con, nói lên Sài Gòn làm ăn nhưng thực chất là bỏ đi cùng cô Đào xóm trên...
Sau những tiếng cười duyên dạo dầu, tác phẩm sân khấu lấy nước mắt người xem bằng chuỗi bi kịch liên tiếp. Bún là cô gái chân chất, chịu khó làm lụng, một lòng một dạ tin chồng chung thủy. Cũng với niềm tin ấy, giữa lúc bụng mang dạ chửa, cô đau khổ tột bực khi biết sự thật về chồng. Trong lúc Bún rối bời, Giàu - con gái bốn tuổi của Bún và Sang - bị sóng biển cuốn đi sau một thời gian trầm cảm vì chứng kiến cha bỏ trốn cùng nhân tình. Nỗi tuyệt vọng khiến Bún từ đó lúc tỉnh lúc mê, và câu chuyện đau thương mới chỉ bắt đầu.
Diễn viên Hoàng Vân Anh đóng vai Bún thời trẻ và diễn xuyên suốt kịch. Cô gây ấn tượng với gương mặt giàu biểu cảm ở những phân đoạn phức tạp về diễn xuất, từ cách cô Bún quảy gánh hàng rong ruổi bán chè đến tình huống đứng chết trân khi nghe tin con gái bị sóng biển cuốn. Khả năng nhập vai đa dạng của Vân Anh còn được thể hiện ở phần cuối của vở kịch, khi cô đóng vai Nhớ, con gái Bún sinh ra sau khi hóa điên.
Với kinh nghiệm diễn xuất, Ái Như góp phần tạo nên thành công cho vở kịch khi hóa thành cô Bún lúc về già. Diễn viên gạo cội gây ám ảnh vì thể hiện nỗi đau người đàn bà bị phụ tình với nụ cười ngờ nghệch, ánh mắt đăm chiêu nhớ về quá khứ. Chị khiến người xem xót xa khi hàng chục năm trôi qua vẫn lẩm bẩm hai từ "anh Sang", tai luôn áp sát vào máy cassette chồng từng mua tặng như một thói quen.
Nỗi đau không chỉ xoáy vào nhân vật chính - cô Bún. Anh xã đội phó Sáu Thôn (Đoàn Thanh Tài đóng) - người đem lòng yêu Bún song không được đền đáp, ngấm ngầm chịu đựng những tủi hờn dai dẳng. Khi Bún bị chồng rời bỏ với cái thai ngày càng lớn, Sáu là người hết lòng chăm lo cho mẹ con cô mặc người làng dị nghị. Sáu cũng dành nốt quãng đời còn lại để săn sóc Bún khi cô bị phụ tình đến hóa điên.
Không còn tỉnh táo, Bún không đủ khả năng nhận ra ai là người yêu mình thật lòng, để Sáu phải ôm mối tương tư đến già. Là một trong hai diễn viên chính của vở kịch, Đoàn Thanh Tài được tạo "đất" diễn, lột tả chiều sâu của nhân vật - một người đàn ông gánh hết phần thiệt thòi vì quá chân tình, và cũng đủ bao dung để khuyên Nhớ hãy mở lòng với người cha lầm lạc.
Tác phẩm trên sân khấu Hoàng Thái Thanh thường không chỉ nói về tấn bi kịch của con người, mà mượn đó để nhắc nhớ về nhân nghĩa ở đời. Trong vở mới, đạo lý này được thể hiện ở bi kịch của những kẻ phụ tình. Sang sau một thời gian bỏ trốn cùng Đào đã loay hoay tìm về mái ấm xưa. Ông bàng hoàng khi thấy vợ hóa điên, con không chịu nhận cha. Ông nhận ra quả báo cuối cùng đã đến và chấp nhận sống nốt quãng đời trong ăn năn, hối lỗi. Vở kịch còn mở rộng hơn với cái kết đau đớn dành cho Đào - người đàn bà gián tiếp phá vỡ hạnh phúc một gia đình.
* Hậu trường kịch "Hồi xưa biển ngọt"
Xuyên suốt kịch, nhạc phẩm Tình khúc thứ nhất (Vũ Thành An sáng tác) vang lên nhiều lần, tạo âm hưởng man mác buồn. Ca từ của bài hát phần nào nói lên sự oan nghiệt của tình yêu - như chính câu chuyện của Bún, Sáu và Sang: "Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai/ Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài".
Điểm trừ của vở là ở phần cuối, khi kịch bản chuyển hướng khai thác câu chuyện của Sang - Đào. Việc ôm đồm các tình tiết như Đào có nhân tình khác, Sang trốn đi cùng con gái của Đào... khiến câu chuyện phần nào "lên gân", phá vỡ mạch cảm xúc chính về cuộc đời cô Bún.
Vở Hồi xưa biển ngọt tiếp tục được diễn tại sân khấu Hoàng Thái Thanh, TP HCM vào các ngày 10/9 và 24/9.
Tam Kỳ