Bày tỏ bức xúc trước nạn kích điện giun đất ở nhiều địa phương miền Bắc, giáo sư Đỗ Kim Chung, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, phân tích khi truyền dòng điện xuống lòng đất sẽ khiến không chỉ giun mà nhiều vi sinh vật sẽ chết, làm ảnh hưởng tới môi trường đất.
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, mỗi gram đất có tới 6 triệu vi sinh vật sinh sống. Đất tốt hay không do vi sinh vật nhiều hay ít tồn tại trong đó. Riêng giun đất được ví như "lưỡi cày sinh học" của nhà nông, giúp đất tơi xốp; là mắt xích quan trọng trong việc chuyển hóa các chất dinh dưỡng của đất, tạo điều kiện sinh ra các chất hữu cơ có lợi, giúp cây trồng phát triển tốt.
"Giun, vi sinh vật chết đi sẽ làm giảm khả năng tái sinh độ phì nhiêu của đất, khiến đất nghèo đi, sa mạc hóa, cây trồng bị ảnh hưởng, thậm chí là chết", ông Chung nói, cho rằng cơ quan chức năng cần nghiêm cấm kích giun, thậm chí phải xem đây là loại tội phạm hủy hoại môi trường.
Tiến sĩ Lương Hữu Thành, Viện Môi trường Nông nghiệp, nói trong hệ sinh thái nông nghiệp thì giun đất được coi như chỉ thị đánh giá độ phì nhiêu của đất. Quá trình sinh trưởng của giun sẽ giúp cho đất được mùn hóa, tăng độ xốp, độ trữ ẩm, cải thiện chất lượng đất trồng trọt. Nơi nào xuất hiện nhiều giun thì nơi đó đất tốt, tơi xốp và ngược lại.
"Việc sử dụng kích điện để tận diệt giun đất như hiện nay sẽ như con dao chặt đứt chu trình cải tạo đất trong tự nhiên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái cũng như chất lượng đất sản xuất nông nghiệp", tiến sĩ Thành nói.
Để khôi phục đất đã bị kích điện bắt giun, ông Thành cho rằng cần tăng cường sử dụng phân hữu cơ, tạo môi trường thuận lợi cho loài giun đất phát triển trở lại. Chính quyền cũng có thể hướng dẫn người dân nhân, nuôi giun đất trong phạm vi có thể quản lý được. Hiện tỉnh Hòa Bình đã có một số hộ dân nuôi giun trong vườn nhà, thu hoạch 4 lần mỗi năm.
Giun đất gồm nhiều loài, thuộc phân lớp Oligochaeta (phân lớp giun có đai sinh dục), ngành Annelida (ngành giun đốt). Tại nhiều quốc gia, giun còn được nuôi cho mục đích xử lý rác thải. Nhờ giun đất, Australia đã tái tạo được khoảng 20% rác hữu cơ, góp phần giải quyết vấn đề sinh thái và rác thải, bảo vệ môi trường. Nghiên cứu cho thấy 100-200 gram giun có thể xử lý tối đa 300 kg rác thải.
Nạn kích điện giun đất xuất hiện nhiều từ năm 2019, sau đó lắng xuống. Khoảng một tháng gần đây, tình trạng này rộ lên ở Hòa Bình, Bắc Giang, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Giang... Máy kích giun gồm hai que nhọn nối với bình ắc quy điện công suất lớn, hoặc sử dụng pin. Khi cắm que sắt xuống đất, chỉ một phút sau giun trong khoảng một mét vuông sẽ chui lên.
Giun bắt về được loại bỏ nội tạng, sấy khô và bán cho những đầu mối đưa qua Trung Quốc. Khoảng 13 kg giun sống sẽ cho 1kg khô, bán chừng 600.000 đồng. Nghị định 91/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã xác định những hành vi hủy hoại đất, nhưng kích điện giun đất chưa được quy định rõ ràng, chưa có chế tài xử phạt.
Việt An