Hiện nay, việc tạo màn hình lớn hơn nữa gần như là vô nghĩa. Chỉ người tiêu dùng giàu có mới có khả năng sắm những màn hình phẳng lớn nhất trên thị trường, do đó tiềm năng tiêu thụ tại thời điểm này là rất ít. Độ phân giải cũng đã theo kịp chuẩn HD 1080 và nhiều người cho rằng không cần nhiều cải tiến nữa, dù hãng Đài Loan CMO vừa giới thiệu màn hình LCD 56 inch 3840 x 2160 pixel.
Trước đây, 42 inch được coi là "vùng đệm" phân chia ranh giới về kích thước giữa LCD và màn hình lớn plasma. Tuy nhiên, những cải tiến trong sản xuất đã giúp tạo ra LCD lớn và rẻ hơn trước đây, trong khi đó, plasma lại đang thu nhỏ kích cỡ và đạt được tới độ phân giải HD.
Lee Sang Wan, Giám đốc LCD của Samsung, cho rằng sự tranh giành thị phần giữa hai công nghệ sẽ trở thành một trong những đặc điểm nổi bật của thị trường màn hình trong vòng 5 năm tới. "Những khác biệt và ưu thế giữa 2 công nghệ đang dần được xóa bỏ. Do đó, để đứng vững, các nhà sản xuất sẽ phải bước vào một cuộc cạnh tranh quyết liệt hơn bao giờ hết", Wan nhận định. "Thị trường màn hình phẳng sẽ tăng giá trị từ 66 tỷ USD năm nay lên tới 115 tỷ USD trong năm 2010".
Trong cuộc đối đầu này, góc nhìn, độ tương phản, độ sáng cũng không còn là vũ khí mà mỗi công ty tự hào khi công bố sản phẩm mới. Gam màu, đo khả năng màn hình sao chụp lại một dãy màu, đang trở thành tiêu chuẩn quan trọng. Trong kỷ nguyên màn hình CRT, mọi thứ diễn ra đơn giản: CRT hiển thị 72% gam màu NTSC của TV. Nhưng màn hình trên thị trường hiện nay đã có đủ, thậm chí hơn, số gam màu NTSC, mang lại màu sắc phong phú hơn, dù người sử dụng thường không nhận ra sự khác biệt trừ khi họ đang xem DVD hay TV kỹ thuật số.
Tốc độ phản ứng (response time), dựa trên lượng thời gian cần thiết để màn hình phản ứng lại trước những thay đổi của ảnh, cũng là một nhân tố đáng chú ý. Tốc độ cao hơn giúp màn hình "bắt kịp" những cảnh chuyển động nhanh và hạn chế ảnh hưởng của cảnh trước đó. Hãng điện tử Sharp vừa ra mắt ngày 18/10 một mẫu LCD với thời gian phản ứng 4 phần triệu giây, với hình ảnh uyển chuyển hơn màn hình 6 phần triệu giây.
Khả năng tiêu thụ điện cũng trở thành vấn đề đáng quan tâm khi người tiêu dùng bắt đầu tính toán hơn đến chi phí tiêu hao của TV. Hiện tại, các nhà sản xuất plasma đã giới thiệu những sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn màn hình LCD cùng kích cỡ.
T.N. (theo PC World)