VNExpress

Thứ bảy, 29/6/2024
Chọn địa danh

Ngành công nghiệp không khói đang đứng trước vô vàn khó khăn trong đại dịch, nhưng vẫn có những tín hiệu khả quan sau các chiến dịch kích cầu thị trường nội địa. Trả lời VnExpress, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đưa ra những nhận định về kịch bản thị trường du lịch Việt Nam trong và sau Covid-19.

- Chiến dịch kích cầu du lịch đợt 1 đã có những thành công nhất định song thị trường cũng đóng băng rất nhanh khi dịch bùng phát trở lại. Vậy trong chiến dịch kích cầu đợt 2, ngành du lịch có những giải pháp cụ thể nào để hồi phục thị trường khi dịch bệnh diễn biến khó lường?

- Covid-19 đã thay đổi toàn bộ các kịch bản tăng trưởng kinh tế nói chung, trong đó có lĩnh vực du lịch. Sau khi dịch bùng phát lần thứ hai tại Việt Nam, tất cả nỗ lực vực dậy ngành du lịch từ các cơ quan chức năng, hiệp hội, địa phương đến doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Trước bối cảnh chính phủ kiểm soát thành công Covid-19 trong cộng đồng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai ngay chương trình kích cầu du lịch nội địa giai đoạn 2, với chủ đề "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn". Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng tới hai mục tiêu: đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 và Bộ tiêu chí an toàn du lịch đã được ban hành; đồng thời tạo ra các chương trình du lịch hấp dẫn về trải nghiệm lẫn giá cả. Một yếu tố để tạo nên sự hấp dẫn là chính sách hoàn hủy, đổi hoàn linh hoạt các chương trình du lịch để đảm bảo quyền lợi cao nhất cho khách du lịch.

Trong công văn 3455 ngày 18/9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị UBND các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc tất cả chương trình du lịch; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình đó, đồng thời tăng cường tuyên truyền để các doanh nghiệp, liên kết doanh nghiệp và hiệp hội thích ứng nhanh nhất, dễ điều chuyển nhất trong lần kích cầu này.

- Ông đánh giá những điểm đến nào sẽ hồi phục sớm hơn trong giai đoạn 2 của kích cầu? Lý do của kết quả này?

- Covid-19 làm thay đổi toàn bộ hành vi tiêu dùng cũng như nhu cầu của khách du lịch. Để thành công trong chương trình kích cầu du lịch nội địa lần này, các công ty cũng tung ra các chương trình du lịch ngắn ngày, trong khoảng cách gần và bổ sung thêm các chương trình du lịch liên quan đến yếu tố thiên nhiên, chăm sóc sức khỏe và loại hình du lịch thể thao mang tính gắn kết gia đình. Chúng tôi cho rằng để phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch nghỉ biển của miền Trung sẽ thu hút khách đầu tiên.

Trong bối cảnh này, du lịch sông nước miền Tây cũng thu hút đông đảo du khách. Ngoài ra các điểm đến ở Đông Bắc, Tây Bắc cũng được khách du lịch lựa chọn do đáp ứng đúng nhu cầu trong đại dịch, khi yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu.

Hiện nay theo báo cáo của các địa phương, lượng khách đăng ký các dịch vụ du lịch tập trung chủ yếu ở Hà Giang, Sa Pa, Quảng Ninh và các loại hình du lịch nghỉ biển ở Nha Trang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu và Côn Đảo ghi nhận lượng khách tăng cao nhất.

- Liên kết du lịch được nhắc đến nhiều và được coi là giải pháp quan trọng trong thời kỳ dịch bệnh, ông đánh giá như thế nào về giải pháp này?

- Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên yêu cầu đối với liên kết giữa các lĩnh vực khác nhau, giữa các nhà cung cấp dịch vụ và các địa phương, các bộ ngành liên quan có vai trò rất quan trọng trong tạo ra các chuỗi cung ứng dịch vụ cho khách du lịch. Trong bối cảnh Covid-19, khi nguồn lực của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều, nhu cầu tạo nên sự liên kết, hợp tác hỗ trợ từ các địa phương, từ các doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong tạo nên thành công của các chương trình kích cầu du lịch. Trong giai đoạn 1 hình thành nên các liên minh kích cầu du lịch trong phạm vi địa lý - những nơi có địa lý gần, có sản phẩm tương đồng để tạo nên chương trình liên kết như chương trình liên kết giữa 12 tỉnh Tây Bắc, 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với TP HCM, giữa TP HCM với 5 tỉnh miền Đông Nam Bộ, 3 tỉnh miền Trung như Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam...

- Với vai trò mai mối giữa các liên kết, Tổng cục Du lịch làm gì để cân bằng chất lượng dịch vụ hay cân bằng lợi ích... giữa các thành viên liên kết?

- Ở giai đoạn 2, sau khi có chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động, xuất hiện thêm một số mô hình liên kết mới giữa Bà Rịa Vũng Tàu với 7 tỉnh miền Đông cũng như TP HCM; Bình Định với Nghệ An và Hải Phòng, tạo nên các chương trình du lịch và thu hút khách.

Liên kết giữa hãng hàng không với các tập đoàn đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú và khu vui chơi giải trí, ví dụ Vietnam Airlines liên kết với Vietravel, Novaland tạo diện mạo mô hình liên kết hợp tác mới.

Để hình thành nên mô hình liên kết hợp tác, cần phải có những trao đổi, thỏa thuận chặt chẽ. Tổng cục Du lịch là đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, chúng tôi luôn luôn đồng hành cùng các địa phương và các liên minh kích cầu để làm sao tạo ra một khuôn khổ hợp tác chặt chẽ nhất, tạo nên thành công cho các liên minh trong đợt kích cầu giai đoạn 2.

- Trong suốt thời gian qua, các doanh nghiệp du lịch đã nhận được hỗ trợ như thế nào từ các cơ quan chức năng?

- Ngay từ khi Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có hai văn bản báo cáo chính phủ để đề xuất những chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Những đề xuất đó đã hướng vào các nhóm giải pháp về gói hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ về gói tài khóa và gói hỗ trợ về chính sách an sinh xã hội, đặc biệt với người lao động.

Khi dịch bùng phát trở lại, tháng 9/2020 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục có văn bản thứ 3 đề nghị chính phủ xem xét tháo gỡ với những chính sách hết sức cụ thể và bổ sung thêm việc đề xuất nghiên cứu và triển khai bản đồ số "Du lịch Việt Nam an toàn". Trên cơ sở đó, nếu được thông qua, đó sẽ là căn cứ để các hãng hàng không, lữ hành, kinh doanh du lịch sẽ chủ động trong tổ chức, bố trí cung ứng các dịch vụ dành cho khách du lịch.

Qua những kiến nghị đề xuất của bộ, hiện chính phủ đã xem xét và giải quyết, có những chính sách hỗ trợ kịp thời, hoặc có những chỉ đạo với các bộ ban ngành liên quan. Ví dụ, chính phủ ban hành cơ chế giảm tiền thuế đất cho các doanh nghiệp du lịch. Đồng thời chính phủ đề nghị EVN giảm giá điện với các cơ sở lưu trú kinh doanh du lịch, trong 3 tháng 5, 6, 7/2020. Đồng thời với khoản vay, khoản thuế, chính phủ chỉ đạo ngân hàng nhà nước, các cơ quan liên có những cơ chế, chính sách để doanh nghiệp được giảm, hoãn, chậm đóng hoặc nộp theo quy định nhà nước. Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu và tham khảo, lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để kịp thời tham mưu cho chính phủ có những cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19.

- Vì sao bản đồ số ảnh hưởng tới sự phát triển của du lịch trong bối cảnh Covid-19?

- Bản đồ số về du lịch là một trong những công cụ quan trọng. Đây là ý tưởng của ngành du lịch trong Covid-19, ứng dụng triển khai nhằm hỗ trợ cho cơ quản lý nhà nước về du lịch ở cả cấp trung ương và địa phương, và các doanh nghiệp kinh doanh cung ứng dịch vụ du lịch, và đặc biệt là khách du lịch cùng tham gia chương trình này có những tiện ích cho riêng mình. Ví dụ, thông qua ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn", khách du lịch sẽ biết điểm đến có an toàn hay không, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ như hãng lữ hành, khách sạn, cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí có đảm bảo tuân thủ các tiêu chí về an toàn do Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống Covid-19, Bộ Y tế và Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành hay không, theo những bộ tiêu chí cụ thể. Trên cơ sở đó, họ có cơ hội lựa chọn những điểm đến hay các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ an toàn nhất. Sau khi trải nghiệm tất cả dịch vụ, họ có thể tương tác, đánh giá chất lượng cũng như tính an toàn về điểm đến và các sản phẩm, dịch vụ. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những biện pháp, giải pháp để tăng cường, đảm bảo tuân thủ quy định về an toàn theo tiêu chí đã được ban hành.

Thông qua đó, các doanh nghiệp cũng khẳng định được thương hiệu của mình, đảm bảo cam kết về đảm bảo an ninh, an toàn cũng như các nội dung liên quan trong quá trình cung ứng dịch. Qua phản ánh của khách du lịch, họ sẽ cải tiến cũng như làm sao nâng cấp, đảm bảo các tiêu chí an toàn trong quá trình cung ứng dịch vụ.

- Bên cạnh thị trường trong nước, ngành du lịch hướng đến khôi phục lại những thị trường quốc tế nào trong tương lai gần?

- Đến nay Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới, trong nước bước đầu chúng ta kiểm soát rất tốt. Song tình hình dịch bệnh còn khó lường, hiện tại chính phủ chưa cho phép mở cửa đón khách du lịch nước ngoài, cũng như cho phép khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay để chuẩn bị cho việc phục hồi ngành du lịch, đặc biệt là thị trường quốc tế sau khi dịch bệnh được khống chế, cũng như đủ các điều kiện an ninh, an toàn và được chính phủ cho phép mở lại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang nghiên cứu về những giải pháp làm sao xúc tiến, quảng bá ngay sau khi thị trường quốc tế cho phép mở cửa.

Theo chúng tôi, hiện nay du lịch quốc tế sẽ được mở cửa theo các giai đoạn khác nhau, tùy thuộc vào quyết định của chính phủ. Trước mắt chúng tôi hướng đến người nước ngoài đã được nhập cảnh vào Việt Nam, theo các chuyến bay thương mại thường lệ được chính phủ cho phép từ 6 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), cũng như Lào, Campuchia và mới nhất là Thái Lan. Chúng tôi cho rằng đây là những nơi đang kiểm soát dịch bệnh khá tốt, nếu chúng ta tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và xây dựng các tiêu chí đảm bảo an toàn trong việc đón khách, và được sự cho phép của chính phủ thì rõ ràng đây là một bước rất tốt để dần dần mở lại thị trường quốc tế. Trong đó, thị trường Đông Bắc Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan sẽ là những thị trường sẽ được ưu tiên mở cửa đầu tiên, dĩ nhiên còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh tại các nước và vùng lãnh thổ đó, cũng như cơ chế, tiêu chí của chúng ta khi đón người nước ngoài nhập cảnh.

Trước mắt đây là thời điểm mùa đông với các quốc gia Đông Bắc Á, nơi người dân có nhu cầu đến Việt Nam hay những nước có khí hậu ấm hơn. Nhu cầu của họ khi đến các quốc gia này là tham gia các chương trình du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể thao, đặc biệt là golf hay du lịch MICE dịp cuối năm. Đấy là những loại hình du lịch đáp ứng nhu cầu của khách từ 4 thị trường, và nhu cầu cao vào thời điểm này.

- Cụ thể chiến dịch marketing cho Việt Nam trong đại dịch như thế nào?

Chúng tôi vẫn duy trì thường xuyên trao đổi, tổ chức các hội thảo xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua Internet. Chúng tôi tổ chức rất nhiều chương trình họp, giới thiệu sản phẩm du lịch nổi tiếng của Việt Nam thông qua các webinar. Sắp tới đây chúng tôi có kế hoạch xúc tiến quảng bá trên các kênh truyền thông của nước ngoài, đặc biệt là các kênh có sức ảnh hưởng, lan tỏa lớn như CNN, CNBC hay thông qua sự hỗ trợ của Google, chúng tôi sẽ tích cực truyền bá, cung cấp clip, hình ảnh quảng bá về đất nước, con người, du lịch Việt Nam. Đây là một trong những bước chạy đà. Để khi dịch bệnh được kiểm soát trong khu vực và trên thế giới, chúng ta sẽ bắt tay ngay vào công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam.

CNN tiếp tục chiếu video quảng bá du lịch Việt Nam
 
 
Video: CNN

- Covid-19 làm thay đổi thứ hạng các quốc gia trên bản đồ du lịch thế giới và Việt Nam dường như đang có nhiều lợi thế. Ông đánh giá vị trí của du lịch Việt Nam và nhìn nhận điều này như thế nào? Việt Nam sẽ làm gì để tăng năng lực cạnh tranh trong giai đoạn mới?

Thời điểm này chúng ta đã có thành công trong nỗ lực kiểm soát Covid-19 trong phạm vi đất nước. Chúng ta dù đã có làn sóng thứ 2 nhưng rất nhanh chóng, và có kinh nghiệm xử lý dịch trong cộng đồng - đây là một trong những yếu tố quan trọng để khẳng định với bạn bè quốc tế rằng Việt Nam là một điểm đến an toàn trong Covid-19. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng sau Covid-19, toàn bộ kịch bản, thị hiếu, nhu cầu của khách du lịch thay đổi, do đó vị thế của các thị trường khách du lịch cũng bị thay đổi hoàn toàn. Toàn bộ các quốc gia với ưu thế về du lịch cũng sẽ quay trở về điểm xuất phát ban đầu, mỗi nước đang chuẩn bị những kịch bản để xúc tiến, quảng bá du lịch và phục hồi ngay sau dịch. Chúng tôi cho rằng quốc gia nào nhanh chóng có những kịch bản tốt, kiểm soát dịch tốt và có những chương trình hấp dẫn sẽ là những điểm đến kích hoạt lại nguồn thu từ khách du lịch quốc tế.

- Ông nhận định ra sao về kịch bản thị trường Việt Nam hậu Covid-19?

- Chúng tôi cho rằng Covid-19 đến nay diễn biến phức tạp, nên chưa thể nói hay dự đoán chính xác tất cả các kịch bản. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch còn có nhiều thành tựu trong nghiên cứu vaccine và nỗ lực phòng dịch toàn cầu, chúng ta có quyền hy vọng dịch nhanh chóng bị đẩy lùi trong thời gian tới. Tuy nhiên từ nay đến cuối năm xu hướng nổi trội vẫn là khách du lịch nội địa, thị trường nội địa vẫn giữ vai trò chủ đạo. Thị trường quốc tế có thể có khả năng được khôi phục từ giữa 2021 trở đi, từ nay đến thời điểm đó đó chúng ta sẽ nỗ lực khai thác hiệu quả thị trường nội địa để bù đắp cho những thiệt thòi khi thị trường quốc tế chưa mở lại.

Đây là thời điểm các doanh nghiệp chuẩn bị những điều kiện cần thiết để duy trì hoạt động thông qua phục vụ tốt và những sản phẩm hấp dẫn khách nội địa, thứ hai là đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện và duy trì quảng bá xúc tiến, marketing với đối tác quốc tế. Để ngay sau khi chính phủ cho phép mở cửa, chúng ta nỗ lực tăng cường truyền thông để lập tức đón khách du lịch.

Nội dung: Phạm Huyền

Thiết kế: Hằng Trịnh