Trung Quốc ngày 6/3 cho biết nước này vẫn theo đuổi chiến lược "Không Covid", song sẽ điều chỉnh các biện pháp hạn chế phù hợp với phát triển kinh tế. Đến nay, chiến lược "Không Covid" của Trung Quốc phát huy hiệu quả ở phương diện chống dịch. Nước này báo cáo dưới 154.000 ca nhiễm và 5.200 trường hợp tử vong, con số tương đối nhỏ so với các nước phát triển.
Kể từ tháng 2/2020, số ca nhiễm theo ngày của Trung Quốc giảm đều đặn, tăng nhẹ vào cuối tháng 12/2021 do Omicron lây lan. Trong một năm gần đây, số F0 mới mỗi ngày của nước này chưa từng vượt quá 300.
Với chính sách "Không Covid", Trung Quốc xét nghiệm hàng loạt, truy vết tiếp xúc, cách ly khu vực có người nhiễm bệnh, hạn chế đi lại trong nước và quốc tế, đồng thời phong tỏa toàn bộ thành phố dù chỉ ghi nhận một vài F0. Chiến lược này giúp Trung Quốc dập mọi đợt dịch cho đến nay, kể cả khi Omicron lây lan từ giữa tháng 1.
Song các đợt bùng phát xảy ra ngày một thường xuyên, biến chủng lan rộng. Ngày 25/2, Ủy banY tế Quốc gia báo cáo 93 ca nhiễm tại 10 tỉnh, bất chấp các biện pháp ứng phó mạnh tay. Thâm Quyến, giáp với Hong Kong, gần đây đã đóng cửa các viện bảo tàng, thư viện, nhiều công viên để đối phó với dịch bệnh gia tăng. Các khu chung cư phải phong tỏa chỉ với một cư dân dương tính. Những người còn lại phải xét nghiệm sau mỗi 48 giờ.
Khi biến chủng dễ lây lan xâm nhập đất nước, chính sách "Không Covid" trở thành áp lực đối với kinh tế, xã hội. Chen Gang, chuyên gia phân tích chính trị Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nhận định hồi tháng 2: "Những bất tiện và khó khăn lớn với sinh kế và lối sống của người dân khiến Trung Quốc xem xét lại và điều chỉnh một số chính sách". Lu Xi, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại NUS, nhận định biện pháp ứng phó Covid-19 đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này trong nửa cuối năm 2021.
Giới chức Trung Quốc buộc phải cân nhắc các phương án để cùng tồn tại với virus như phần còn lại của thế giới. Đây là một quyết định quan trọng, cần được tiến hành cẩn thận.
Trung Quốc muốn tránh khỏi kịch bản Covid-19 bùng phát đột ngột như Hong Kong, nơi đã báo cáo hơn 34.000 ca nhiễm mới và 87 trường hợp tử vong chỉ trong ngày 28/2. Mô hình dịch tễ của các nhà nghiên cứu Đại học Hong Kong (HKU) cho thấy số ca mắc tiếp tục tăng một cách nhanh chóng. Yanzhong Huang, chuyên gia y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, tin rằng Trung Quốc sẽ đưa ra các biện pháp linh hoạt hơn vào đầu tháng 3.
Theo chuyên gia virus Huachen Zhu, Đại học Hong Kong, với chiến lược "Không Covid", các địa phương có nhiều thời gian để điều chỉnh biện pháp chống dịch phù hợp với tình hình thực tế. Nhưng quốc gia vẫn có những hạn chế không cần thiết. Ngày 18/2, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia yêu cầu giới chức địa phương tránh phong tỏa tùy tiện, cấm đóng cửa trái quy định đối với các nhà hàng, siêu thị, địa điểm du lịch và rạp chiếu phim.
Song tình hình ở Hong Kong cho thấy Trung Quốc cần thận trọng. Đặc khu 7,4 triệu dân thực hiện chiến lược "Không Covid" với cách tiếp cận riêng để tránh phong tỏa. Tình hình tương đối khả quan cho đến tháng 12/2021. Với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, các ca nhiễm mới tăng vọt. Trong khi đó, nhiều người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 và chuyển nặng chưa được tiêm phòng.
Tỷ lệ bao phủ vaccine nói chung là 76%, song chỉ 46% người từ 70 tuổi trở lên, 29% người từ 80 tuổi trở lên đã tiêm chủng. Trước đó, nhiều người hoang mang vì tác dụng phụ của vaccine và tin tưởng vào khả năng chống dịch của giới chức. Jin Dong-Yan, chuyên gia virus tại Đại học Hong Kong, cho biết những người tử vong đa phần chưa tiêm chủng.
Các chuyên gia dịch tễ cho rằng Trung Quốc đối mặt với làn sóng lây nhiễm giữa bất kỳ quá trình điều chỉnh chiến lược chống dịch nào. Những khu vực thiếu bệnh viện hoặc bác sĩ đa khoa sẽ sớm quá tải, cạn kiệt nguồn lực y tế vì cả những người triệu chứng nhẹ cũng đi khám. Tỷ lệ tiêm chủng nước này ở mức cao là 87%, hơn 550 triệu người đã tiêm liều tăng cường, song độ phủ vaccine ở người già còn thấp, đặc biệt tại vùng nông thôn.
Chuyên gia miễn dịch Rustom Antia. Đại học Emory, nhận định vaccine Trung Quốc dựa vào virus bất hoạt thay vì công nghệ RNA như phương Tây, hiện chưa rõ hiệu quả của chúng suy giảm thế nào theo thời gian và khả năng chống biến chủng tốt đến đâu.
Nhiều người dự đoán các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ điều chỉnh chính sách chống dịch một cách thận trọng. Tiến sĩ Yanzhong Huang cho rằng nước này sắp tới tiến đến giảm thời gian cách ly, thu hẹp phạm vi phong tỏa vùng dịch. Theo tiến sĩ Chen Gang, Trung Quốc sẽ thí điểm chiến lược mới ở một vài khu vực.
Động thái mới của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới. Gabriel Leung, trưởng khoa y Đại học Hong Kong, nhận định việc nới hạn chế cho trên 1,4 tỷ người có nghĩa số F0 nói chung sẽ tăng lên, đem lại cơ hội cho biến chủng mới xuất hiện. "Đó không chỉ vấn đề quốc gia, nó còn là vấn đề toàn cầu", ông nói.
Thục Linh (Theo Science)