Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) ghi nhận dân số thế giới chạm mốc 8 tỷ người vào sáng 15/11, ước tính đạt 9 tỷ người vào năm 2037. Cơ quan này cho rằng mối tương quan giữa mức sinh và tỷ lệ tử vong phức tạp, song về cơ bản, số ca sinh nhiều hơn số ca tử vong, dân số sẽ tăng lên.
Quá trình thay đổi nhân khẩu học bắt đầu khi chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, điều kiện sống và giáo dục được cải thiện. Từ đó, tỷ lệ tử vong thấp hơn, tuổi thọ cao hơn, tỷ lệ sinh ít hơn trên một phụ nữ.
Theo Liên Hợp Quốc, trong vài thập kỷ tới, dân số tiếp tục tăng, nhưng sẽ tăng trưởng chậm và dần chững lại. Tăng trưởng trong quá khứ, từ các thế hệ có mức sinh cao, khiến số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh sản tăng lên. Dù tỷ lệ sinh trên mỗi phụ nữ giảm, thế giới tiếp tục ghi nhận số ca sinh nhiều hơn số ca tử vong, ít nhất đến năm 2060.
Giai đoạn sau đó, khi mức sinh giảm và tuổi thọ tăng lên, người già chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong cơ cấu dân số. Số người chết lúc này sẽ nhiều hơn số ca sinh. Tăng trưởng dân số giảm chậm và sâu hơn nữa.
UNFPA dự đoán dân số thế giới đạt mức cao nhất là 10,4 tỷ người vào những năm 2080 và duy trì ở mức này cho đến cuối thế kỷ 21. Một số quốc gia phát triển nhanh hơn mức trung bình toàn cầu, số khác phát triển chậm, thậm chí thu hẹp.
Người dân toàn cầu có xu hướng sinh ít con hơn. Ở một số quốc gia, dân số giảm dần. Tỷ lệ sinh toàn cầu - số ca sinh trung bình trên một phụ nữ - đã giảm trong vài thập kỷ do nhiều yếu tố. Đầu tiên là khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai tăng lên khiến tỷ lệ mang thai giảm. Phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động nhiều hơn, có cơ hội học tập rộng mở nên trì hoãn kết hôn và sinh con.
Năm 1950, mức sinh toàn cầu là 5 ca sinh trên một phụ nữ. Tính đến năm 2022, con số là 2,3 ca, dự kiến giảm còn 2,1 ca sinh năm 2050. Do số trẻ ra đời tương đối ít trong khi tuổi thọ trung bình ngày càng cao, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi từ 0 đến 14 tuổi trong dân số toàn cầu cũng giảm.
Theo UNFPA, thế giới tiến gần đến "mức sinh thay thế", tức là về lâu dài, dân số không còn tăng nữa mà duy trì ổn định, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Sắp tới, nhiều quốc gia, đặc biệt là Nam Âu và Đông Á sẽ ghi nhận dân số giảm do số ca sinh giảm, dự kiến bắt đầu vào năm 2023. Từ năm 2022 đến năm 2050, dân số của 61 nước dự kiến giảm hơn 1%, trong đó Bulgaria, Latvia, Litva, Serbia và Ukraine có thể giảm từ 20% trở lên.
Trên khắp thế giới, người dân sẽ sống lâu hơn. Năm 2019, tuổi thọ trung bình toàn cầu ở mức 72,8, tăng gần 9 năm kể từ 1990, dự kiến tăng lên 77,2 tuổi vào năm 2050.
Thực tế, tuổi thọ trung bình đã tăng lên kể từ những năm 1950 ở tất cả các khu vực, đặc biệt là khi tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm giảm. Tuy nhiên, trong những năm sắp tới, tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi cũng thấp hơn. Con người nhìn chung sống lâu hơn nhờ vào dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe và điều kiện sống.
Hiện nay, tuổi thọ các khu vực vẫn có sự chênh lệch đáng kể. Trẻ sinh tại các nước thu nhập thấp có nguy cơ tử vong trước 5 tuổi cao hơn 13 lần so với trẻ ở nước giàu có. Song trong tương lai, khoảng cách này sẽ được thu hẹp. Người dân ở các nước vốn có tuổi thọ trung bình thấp cũng sống lâu hơn trước đây.
Tỷ lệ sinh giảm, người dân sống lâu hơn dẫn đến già hóa dân số. Tình trạng này đang diễn ra nhanh hơn bao giờ hết. Từ năm 1950 đến 1990, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên trong dân số tăng từ 5% lên 6%. Tính đến năm 2022, tỷ lệ này ở mức gần 10%, dự kiến tăng lên 16% vào năm 2050.
Ở nhiều quốc gia, các thế hệ được sinh ra trong những thập kỷ trước, với mức sinh cao bền vững, đang dần già đi. Các tiến bộ về y học, chăm sóc sức khỏe cải thiện khả năng sống sót qua nhiều thế hệ cũng thúc đẩy sự già hóa dân số.
Tuổi thọ toàn cầu sau 65 tuổi (tức là số năm trung bình mà một người 65 tuổi có thể sống tiếp) cũng tăng lên. Con số hiện tại là 16,3 năm, được dự đoán tăng lên 19,8 năm vào năm 2050.
UNFPA cũng cho rằng số lượng bé trai sinh ra nhiều hơn bé gái, nhưng phụ nữ sẽ sống lâu hơn ở hầu như mọi khu vực. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ cao hơn nam giới 5,4 năm, khoảng cách dao động từ 2,9 năm ở Australia và New Zealand đến 7 năm ở Mỹ Latinh và Caribe.
Trên toàn cầu, tỷ lệ trẻ sơ sinh giữa hai giới là 100 bé gái trên 106 bé trai. Dù vậy, các bé trai có nhiều khả năng tử vong thời thơ ấu hơn do các tình trạng như biến chứng ký sinh và nhiễm trùng. Tính đến 2020, tỷ lệ tử vong ở trẻ em trai dưới 5 tuổi ước tính là 39 ca trên 1.000 ca sinh sống, cao hơn so với 34 ca ở trẻ em gái.
Trong suốt thời niên thiếu và trưởng thành, nam giới cũng tử vong nhiều hơn nữ giới vì có các hành vi nguy hiểm, hệ thống miễn dịch yếu, nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao.
Kết quả, phụ nữ sẽ sống lâu hơn đàn ông ở mức trung bình. Khoảng cách này bắt nguồn từ yếu tố sinh học, xã hội và hành vi. Lợi thế sinh tồn của phụ nữ vẫn tồn tại bất chấp các tác động đáng kể của bất bình đẳng giới và tỷ lệ nghèo đói trong nhiều năm.
Thục Linh (Theo UNFPA)