*Thanh Hóa - HAGL: 17h thứ Tư 28/4, giờ Hà Nội.
Kể cả khi nhận ba bàn thua trong trận thắng Nam Định 4-3, HAGL vẫn đang thủng lưới ít nhất - sáu bàn - trước trận đấu với Thanh Hóa. Xét về năng lực phòng ngự, các đội như Viettel (8 bàn thua), Đà Nẵng (7 bàn) hay Bình Định (8 bàn) cũng không thể nói là kém. Nhưng HAGL vượt trội nhờ có trong tay tám chiến thắng và chỉ để thua một trận. Ở phương diện tấn công, qua 10 trận, HAGL cũng mới ghi 18 bàn, tức trung bình chỉ 1,8 bàn mỗi trận. Theo tình hình thi đấu mỗi lúc mỗi căng thẳng, tỷ lệ bàn thắng của HAGL có thể ít hơn nữa. Trong khi đó, trung bình ở các mùa giải "đá cho vui" và thường phải trụ hạng vào phút cuối trước đó, HAGL cũng đã đạt đến tỷ lệ 1,7 bàn mỗi trận.
Thế nên, câu chuyện thú vị về sự tiến bộ bất ngờ của HAGL dưới bàn tay Kiatisuk không phải nằm ở chỗ họ đã phòng ngự tốt hơn hay giỏi ghi bàn hơn các mùa trước, mà là khả năng chế ngự và kết liễu đối phương. Cũng vẫn với những con người đó, nhưng bằng thái độ và mục tiêu hoàn toàn khác, HAGL cho ra kết quả ngoài mong đợi. Tính từ trận hòa Hà Tĩnh 0-0, số cú sút mà HAGL thực hiện cũng gần như tương đương với số lần mà họ để cho các đối thủ dứt điểm. Trung bình mỗi trận, các con số này không quá tám. Đây là kết quả từ việc Kiatisuk bố trí một đội hình thi đấu không dâng cao, tập trung vào mục tiêu chiếm giữ khu trung tuyến, luôn có đủ người để phòng ngự khu vực từ xa và tấn công chớp nhoáng với quân số tối thiểu.
Đấy là lý thuyết. Chúng ta dễ dàng nhận thấy một phiên bản Thái Lan ở HAGL hiện tại nếu xét về mặt lối chơi. Nhưng đó là điều chẳng khó đoán vì hơn ai hết, Kiatisuk là hiện thân cho những gì tốt nhất của bóng đá Thái Lan. Thế nên, mấu chốt không nằm ở chiến thuật mà ở khía cạnh con người, là những gì Kiatisuk thay đổi được cách chơi bóng của các cầu thủ vốn chơi rập khuôn suốt năm mùa trước đó.
Tính từ trận thắng Viettel 3-0 trên sân Hàng Đẫy ở vòng 5, HAGL ghi được 15 bàn, chia cho sáu cái tên khác nhau. Trong số đó, có đến bốn bàn từ phạt đền và chỉ một bàn từ đánh đầu. Trong 10 bàn còn lại, ngoài tình huống Văn Toàn phá việt vị thoát xuống, vượt qua thủ môn CLB TP HCM để đưa bóng vào lưới, chín bàn còn lại đều có cùng kịch bản: Dứt điểm một chạm, bất ngờ, kể cả khi không có chút khoảng trống nào. Bóng chỉ cần bật ra vào đến tầm chân là các cầu thủ HAGL đưa ra ngay quyết định một cách dứt khoát. Tiêu biểu là bàn mở tỷ số của Công Phượng trong trận thắng TP HCM 3-0, hay pha demi-volley của Trần Minh Vương trong trận thắng Nam Định 4-3.
Trong sáu trận thắng liên tục gần nhất, có ba bàn mang ý nghĩa "giải quyết trận đấu" và cả ba, đều được thực hiện từ ngoài vòng 16m50, khi hàng phòng ngự của đối phương hoàn toàn bất ngờ. Đấy là tình huống cứa lòng bằng chân trái chỉ sau một nhịp đi bóng của Công Phượng, mở tỷ số trong trận thắng Viettel 3-0. Kế đến là cú sút xa của Văn Toàn ở khoảng cách gần 30 mét vào lưới Đà Nẵng trong một tình huống mà nếu theo thói quen, Văn Toàn sẽ tiếp tục lướt đi cùng trái bóng với tốc độ cao. Và cuối cùng, đó là cú sút xa của Xuân Trường định đoạt trận đấu với Hà Nội. Diễn biến cả ba trận đó đều có thể dẫn đến một tỷ số hòa, nhưng những pha bóng "theo kiểu Thái Lan" ấy đã thay đổi mọi thứ.
Sự thú vị nằm ở chỗ đó. Khi trận đấu kết thúc, ai cũng có thể giải thích được cách mà mà cầu thủ đưa được bóng vào lưới, hay vì sao đội này thắng đội kia. Nhưng khi thi đấu, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Tình huống Văn Toàn mở tỷ số trận thắng Đà Nẵng 2-0 không thường xuất hiện tại V-League. Sút xa, sút bóng sống, sút ngay khi cơ hội vừa được mở ra vốn là một vũ khí quan trọng trong bóng đá hiện đại, nhưng rất ít khi được thực hiện ở Việt Nam. Để làm được như thế, ngoài chuyện cầu thủ phải làm chủ được kỹ thuật, còn phải phụ thuộc vào ý đồ chiến thuật. Khi một cầu thủ quyết định đưa ra cú sút xa như vậy, anh ta phải đủ sự tự tin về kỹ thuật sút bóng, đồng thời cũng phải được HLV cho phép thực hiện dựa trên đấu pháp đặt ra từ đầu. Nếu thiếu một trong hai yếu tố đó, thay vì có bàn thắng đẹp, cầu thủ sẽ lãng phí cơ hội và dễ phá hỏng lối chơi.
Cầu thủ HAGL tốt về kỹ thuật là điều dễ thấy. Nhưng kể cả khi họ ở phong độ cao trước kia, HAGL vẫn chơi kém và dù đều đặn được gọi lên tuyển Việt Nam, nhiều ngôi sao HAGL vẫn phải ngồi dự bị. Vấn đề lớn nhất chính là tư duy chơi bóng của họ bị theo lối mòn. Nhưng Kiatisuk đã thay đổi tất cả. Trước đây, các cầu thủ HAGL vẫn thiên về phối hợp, đưa bóng đến sát khung thành đối phương mới chịu dứt điểm. Giờ có cơ hội là họ sút ngay, đơn giản vì trong đấu pháp mà Kiatisak áp dụng, sẽ luôn hạn chế số cầu thủ lên tham gia tấn công. Không sút, cũng khó mà chờ đồng đội lên đủ để phối hợp. Còn khi không thể sút, cầu thủ HAGL sẽ... tìm cách ngã trong khu 16m50. Tỷ lệ được hưởng phạt đền của họ tăng lên, cũng xuất phát từ yêu cầu "tối đa hiệu quả" của Kiatisuk. Không còn kiểu chạy lãng phí như trước.
Nếu có một điểm trừ ở cầu thủ HAGL hiện nay, đó chính là bàn thắng từ các pha đá phạt không còn xuất hiện. Nhưng chuyện này cũng dễ hiểu, bởi khi các pha rê dắt bóng lòng vòng ngoài khu vực 16m50 bị hạn chế, thì cũng khó mà có nhiều quả phạt để rèn luyện.
HAGL đương nhiên là được hưởng lợi từ Kiatisuk, nhưng thú vị hơn, chính HLV Park Hang-seo mới là người vui nhất. Cầu thủ HAGL "ăn cơm tuyển" suốt 5 năm qua, nói về khía cạnh chiến thuật, có lẽ HLV Park chẳng mất nhiều thời gian để truyền tải. Bây giờ, tự mỗi cầu thủ của HAGL đều đã thay đổi, chẳng khác nào đưa cho thầy Park những "gợi ý" mới mẻ để chiến thuật của đội tuyển Việt Nam sẽ có màu sắc khác thời gian tới.
Chiến thuật, nói cho cùng cũng cần có con người phù hợp mới thành công.
Song Việt