Thứ năm, 20/5/2021, 13:26 (GMT+7)

Kiatisuk: 'Biết đâu bầu Đức thay đổi mục tiêu của HAGL'

Đến, gắn bó, ra đi rồi trở lại, Kiatisuk Senamuang đã trải qua hành trình dài từ cái gai trong mắt nhiều CĐV Việt Nam đến dấu gạch nối giữa hai nền bóng đá hàng đầu Đông Nam Á và đang giúp HAGL mơ xa ở V-League 2021.

HLV Kiatisuk trò chuyện với VnExpress ở Pleiku chiều 19/5. Ảnh: Đức Đồng.

- Chuyện ông được bầu Đức đưa về HAGL năm 2002 đã trở thành một giai thoại. Sự thực, câu chuyện đó thế nào?

- Tôi ban đầu không biết bầu Đức là ông nào. Khi ông ấy ngỏ lời sang HAGL thi đấu, tôi rất ngạc nhiên và... từ chối. Tôi lúc đó không có chút hứng thú nào thi đấu ở Việt Nam. Tôi từng chơi ở Anh, ở Singapore. Khi ấy, tôi cũng có ý định giải nghệ, vì đã gần 30 tuổi. Tôi đã hứa với vợ và muốn dành thời gian cho gia đình. Nhưng bầu Đức bay đến Bangkok và chúc mừng đám cưới của tôi. Tôi rất bất ngờ khi gặp ông ấy. Đó là lần đầu tiên chúng tôi giáp mặt nhau. Rồi ông ấy đưa ra đề nghị, và tôi ký vào hợp đồng vài ngày sau đó.

- Đó là giai đoạn mà Thái Lan thống trị Đông Nam Á, trở thành địch thủ đáng ghét nhất trong mắt CĐV Việt Nam. Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng nhận lời sang Việt Nam lúc đó là mạo hiểm?

- Khi bầu Đức nói: "Tôi mới tiếp quản HAGL một năm và muốn cậu về đội bóng. CĐV Việt Nam biết cậu rất rõ và chờ đợi được thấy cậu thi đấu ở đó", tôi thầm nghĩ: "Thật sao? Tại sao họ thù địch mà lại muốn cổ vũ cho mình?". Nhưng tôi nghĩ chuyện yêu ghét trong bóng đá là bình thường. CĐV nào chẳng cổ vũ cho đội bóng của họ. Thế rồi, khi đặt chân đến Việt Nam, cảm xúc trong tôi thay đổi hoàn toàn.

Hàng nghìn người chờ đón chúng tôi ở sân bay Tân Sơn Nhất. Hôm sau lên Pleiku, số lượng đông hơn gấp bội. Chúng tôi được đưa lên một chiếc xe jeep, xung quanh là hàng nghìn chiếc xe máy bám theo. Chỉ vài kilomet từ sân bay đến nơi tổ chức họp báo mà mất vài tiếng. Thực sự, tôi chưa từng vui như thế. Tôi rất ngạc nhiên về tình cảm mà CĐV ở đây dành cho một cầu thủ còn chưa thi đấu cho đội bóng của họ ngày nào, và tôi cũng bắt đầu thấy áp lực, cảm thấy muốn cống hiến hết mình cho HAGL.

Sau này, tôi đã chia sẻ với báo chí Thái Lan rằng không khí mà các CĐV Việt Nam tạo ra không hề thua kém các đội bóng châu Âu, ở La Liga hay Serie A. Mà lần nào họ cũng khiến tôi ngạc nhiên. Như khi HAGL vô địch lần đầu ở V-League 2003. Hàng đoàn dài những CĐV lái xe máy, diễu hành khắp đường phố và đốt pháo... Một khung cảnh tuyệt vời. Tôi nhớ như in kỷ niệm đó và cảm thấy rất đỗi tự hào. Vì thứ tình cảm đó, tôi cảm thấy đây giống như quê hương thứ hai của mình vậy.

Kiatisuk (phải) được biển người chào đón ở Pleiku năm 2002. Ảnh: football180.

- Đó phải chăng là lý do khiến ông đồng ý trở lại, dù hai lần trước đã thất bại trong vai trò HLV của HAGL (năm 2006 và 2010)?

- Sau khi rời HAGL, tôi vẫn giữ liên lạc với bầu Đức và dõi theo kết quả của đội bóng qua các mùa giải V-League. Cùng lúc đó, tôi từng bước nâng cao năng lực HLV khi làm việc ở một đội bóng nhỏ tại quê nhà rồi tham dự SEA Games, AFF Cup, vòng loại World Cup cùng các đội tuyển Thái Lan. Tôi nghĩ bầu Đức dư sức mời các HLV trên thế giới. Nhưng, tôi tự nhủ khi ông ấy gọi, nghĩa là đang cần mình. Vì vậy, dù bận rộn và có công ty riêng ở Thái Lan, tôi vẫn ngay lập tức nhận lời trở lại HAGL.

Nhắc đến bầu Đức, cũng phải nói thêm rằng không chỉ đưa tôi đến với V-League, mà ông ấy còn cho tôi cơ hội đầu tiên để bước vào con đường HLV. Cho đến giai đoạn cuối cùng của sự nghiệp (khoảng năm 2006), tôi chưa từng nghĩ sẽ đi theo con đường này cho đến khi đặt những bước đầu tiên trên tư cách cầu thủ kiêm HLV tại HAGL. Nó cho tôi cái nhìn đầu tiên về công việc này, trước khi tôi nghĩ đến việc lấy bằng HLV của AFC và FIFA.

- Kết cục lần này có vẻ như khả quan hơn, khi HAGL bất bại 11 trong 12 vòng của giai đoạn I (hoà 2, thua 1 và thắng 10) để vững vàng ở đỉnh bảng. Ông làm cách nào để xoay chuyển tình hình?

- HLV muốn làm gì thì trước tiên cũng cần cầu thủ chất lượng. Mà may mắn, tôi đang sở hữu những nhân tố tốt ở HAGL. Họ đều là những cầu thủ có năng lực và tố chất kỹ thuật. Nhưng chừng đó chưa đủ. Tôi đã nói với các cầu thủ HAGL rằng muốn thành công, họ cần cải thiện hơn nữa về kỹ, chiến thuật cũng như tinh thần thi đấu. Trong đó, tinh thần, ý chí chiến thắng quan trọng nhất. Tôi muốn họ giành thành tựu để thúc đẩy sự nghiệp của bản thân. Và quả thật, tôi cảm thấy các cầu thủ rất cố gắng mùa này. HAGL đã sớm giành vé vào giai đoạn II, và tôi nghĩ chúng tôi cùng Viettel đều đang có cơ hội vô địch.

- Dường như, đây là lần đầu tiên ông đề cập đến "cơ hội vô địch" của HAGL?

- Kết quả hiện tại khiến tôi có phần ngạc nhiên. Bản thân tôi khi nhận lời dẫn dắt HAGL đã đặt mục tiêu đứng thứ ba, còn bầu Đức bảo có thể là thứ tư. Nhưng bây giờ chúng tôi dẫn đầu. Đó là phần thưởng cho nỗ lực của đội. Tôi đã nói với các cầu thủ rằng đây rõ ràng là một mùa giải tuyệt vời, nhưng điều quan trọng nhất là họ giành được gì khi kết thúc mùa giải. Còn quá sớm để nói về kết quả chung cuộc. Tôi vẫn không thay đổi mục tiêu, nhưng có thể bầu Đức nghĩ khác (cười).

- Ở trên, ông đề cập đến "ý chí chiến thắng". Và thực tế, mùa này HAGL đang chơi thực dụng hơn trước rất nhiều. Điều đó có đi ngược lại với quan điểm bóng đá đẹp của bầu Đức?

- Tôi luôn muốn các cầu thủ HAGL hiểu rằng đây là ngôi nhà của họ và họ cần cố gắng đền đáp bầu Đức đã tạo ra ngôi nhà này. Tôi đã nói với họ gần đây rằng "Tôi từng là cầu thủ, tôi biết các cậu muốn gì. Bây giờ, tôi muốn chức vô địch trở lại với HAGL. Các cậu đã ở đây nhiều năm và tôi muốn các cậu đoạt danh hiệu. Các cậu đã giành danh hiệu với đội tuyển, vô địch SEA Games và AFF Cup, nhưng vẫn trắng tay ở CLB. Các cậu có nhiều người hâm mộ và giờ là lúc chứng tỏ cho họ thấy các cậu xứng đáng được tôn trọng với thành tích ở CLB. Nếu các cậu nghĩ mình giỏi thì phải chứng tỏ bằng cách ghi bàn và giành chiến thắng".

Bầu Đức động viên HLV Kiatisuk khi ông bắt đầu dẫn dắt HAGL ở nhiệm kỳ thứ ba. Ảnh: Đức Đồng.

- Ông ấn tượng nhất với trận đấu nào trong 12 vòng đã qua?

- Mỗi trận đều để lại những ký ức đặc biệt. Như trận ra quân thua Sài Gòn FC chẳng hạn. Nó khiến tôi và các CĐV thất vọng ghê gớm. Hoặc hai trận đấu Viettel và Hà Nội, đó đều là những cuộc so tài ở đẳng cấp cao. Nếu phải lựa chọn, tôi nghĩ là chiến thắng trước Hà Nội là ấn tượng nhất. Bởi, cho đến lúc này, dù vị trí của Hà Nội có thế nào ở V-League, tôi tin họ vẫn là đội bóng hàng đầu.

- Đề cao Hà Nội, nhưng khi giành chiến thắng, tại sao ông vẫn giữ thái độ điềm đạm như mọi trận đấu khác?

- Đó là tính cách của tôi. Khi vui hay buồn, tôi đều không phản ứng thái quá. Một trận đấu dài 90 phút và bạn không thể vui mừng chừng nào trọng tài chưa thổi còi mãn cuộc. Khi thắng, tôi sẽ lập tức nghĩ đến trận đấu tiếp theo. Khi thua càng phải suy nghĩ. Đó là trách nhiệm của HLV. Tôi luôn có mục tiêu và chiến thuật riêng cho từng trận nên phải tập trung quan sát, không được để sót bất cứ một khoảnh khắc nào.

- Trên tư cách là huyền thoại CLB, ông đã khuyên nhủ cầu thủ những gì trên sân tập?

- Tôi yêu cầu họ làm mọi thứ đơn giản nhất có thể. Đây là bóng đá. Nếu muốn thành công, hãy đơn giản. Tập luyện chăm chỉ và chuẩn bị tốt nhất cho mọi trận đấu. Bây giờ, các đối thủ đều đã biết lối chơi của HAGL nên giai đoạn II sẽ không dễ dàng. Muốn thành công, chúng tôi cần chuẩn bị tốt, tập luyện nỗ lực hơn giai đoạn I. Điều quan trọng nhất là đừng đặt áp lực lên bản thân. Hãy nghĩ mọi thứ đơn giản, cố hết sức qua từng trận đấu. Nhiều người trong số họ, như Công Phượng, Xuân Trường... từng trải qua bối cảnh tương tự ở đội tuyển Việt Nam. Nhưng khi khoác áo CLB, bạn không phải chịu áp lực như lúc đại diện cho đất nước. Vì thế, mấu chốt là đừng hoảng loạn, đừng lo lắng.

Dưới sự dẫn dắt của Kiatisuk, HAGL đang đứng đầu bảng với 10 chiến thắng và một hoà sau 12 trận. Họ cũng là đội duy nhất đứng đầu ở cả hai chỉ số ghi bàn và phòng ngự. Ảnh: Đức Đồng.

- Tham dự AFC Champions League có phải đích đến cuối cùng của HAGL?

- HAGL cần cố gắng nhiều nếu muốn tham dự sân chơi số một châu Á. Tôi luôn dặn các cầu thủ phải cố gắng tối đa nếu muốn dự AFC Champions League. "Cố gắng" từ trong những bữa ăn. Phải ăn hết suất của mình. Các đội bóng Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Iraq đều rất khoẻ. Không ăn hết làm sao thi đấu với họ. Tôi từng nói: "Các cậu hãy suy nghĩ về mùa giải năm nay chưa? Xem 25 người đã giỏi hết chưa? Khoẻ hết chưa?" Chúng tôi phải sẵn sàng từ đội chính đến dự bị.

Tôi muốn khi tham dự đấu trường châu lục, HAGL phải chắc chắn 100% về khả năng của mình. Nếu chỉ chắc 80% thì để đội bóng khác đi. Tham dự đấu trường châu lục là đại diện cho Việt Nam không chỉ cứ muốn đi là được. Tôi không muốn đó là một cuộc dạo chơi. Hà Nội đã tham dự đấu trường này, Viettel năm nay tham gia và tôi hy vọng HAGL cũng có cơ hội.

- Ông đánh giá thế nào về cơ hội của Việt Nam và Thái Lan ở vòng loại thứ hai World Cup 2022?

- Tôi muốn Việt Nam vào vòng loại cuối cùng. Nếu điều đó thành sự thật, đó sẽ là một bước tiến với bóng đá Việt Nam. Còn Thái Lan, có lẽ khó khăn hơn vì phải thắng ba trận, trong khi Việt Nam cần hai chiến thắng. Nếu đá tốt trước Malaysia và Indonesia, Việt Nam sẽ đi tiếp. Một khi vào tới vòng loại cuối cùng, các cầu thủ sẽ được thi đấu với những đội giỏi nhất, qua đó có thêm kinh nghiệm quý giá. Tất nhiên, tôi cũng lo cho cầu thủ HAGL vì khi ấy họ phải đá nhiều hơn. Nhưng ở những đấu trường lớn như vậy, cầu thủ sẽ có cơ hội chứng tỏ năng lực, ghi điểm với tuyển trạch viên qua đó có cơ hội ra nước ngoài thi đấu. Điều đó từng xảy ra với cầu thủ Thái Lan như Theerathon Bunmathan chẳng hạn.

Kiatisuk thấy an toàn khi sang Việt Nam
 
 

- Cảm xúc của vợ ông thế nào khi ông quyết định trở lại Việt Nam đầu năm nay?

- Đó không phải lần đầu chúng tôi chia xa. Vợ tôi từng học ở Australia. Chúng tôi đã phải di chuyển nhiều. Cô ấy là người yêu công việc và cũng từng sống ở nhiều quốc gia. Con gái tôi đang học ở Anh. Đó không phải vấn đề với chúng tôi. Nhưng lần này đúng là khó khăn hơn vì dịch bệnh. Hồi thi đấu, tôi có thể về thăm vợ mỗi sáu tháng. Nhưng lần này có thể 10 tháng hoặc hơn. Tôi nói với vợ là chúng ta có thể chia sẻ gánh nặng cho nhau. Ở Thái Lan, cô ấy chăm sóc công ty và các con, còn tôi tập trung cho CLB ở đây. Chúng tôi có thể gặp nhau sau.

- Ông có ba con gái. Theo ông, trong đội hình HAGL hiện tại, cầu thủ nào có thể đáp ứng tiêu chí trở thành con rể tương lai?

- Các con gái của tôi còn nhỏ: 17, 18 và 19 tuổi. Chúng có thể là bạn tốt với các cầu thủ nhưng lúc này, chúng cần lo học. Còn quá sớm để nghĩ tới chuyện kết hôn. Gần đây, con gái tôi có trò chuyện trực tuyến với Văn Toàn để luyện tiếng Anh. Chương trình học đòi hỏi con tôi sử dụng tốt ngoại ngữ, trong khi các cầu thủ HAGL nói tiếng Anh rất tốt. Tôi không thể bàn xa hơn về việc này (cười).

- Xa vợ con, ông tìm thấy thú vui nào ở Việt Nam, ngoài những thời gian dành cho bóng đá?

- Trước khi đến Việt Nam năm 2004, tôi chưa từng uống cà phê. Nhưng khi đến đây, tôi nghĩ tại sao mình không thử đặc sản này nhỉ?. Bây giờ, tôi trở thành một tín đồ cà phê và uống nó mỗi ngày. Cà phê sữa đá ở đây rất ngon và tôi thích món này nhất.

Thỉnh thoảng tôi cũng nấu ăn, chơi guitar và hát hò. Đó là cách để tôi giải toả áp lực sau công việc. Hồi mới đến đây thi đấu, một người bạn giới thiệu tôi các ca khúc Việt Nam. Tôi thường tập một số bài dễ để thư giãn. Đó cũng là cách để tôi học tiếng Việt.

Đức Đồng - Quang Huy