Frants Fugl Vestergaard, người đàn ông 54 tuổi đến từ Đan Mạch, đào được khuyên tai vàng quý hiếm trong lúc dò kim loại trên một cánh đồng ở Tây Jutland, Bảo tàng Quốc gia Đan Mạch tại Copenhagen thông báo hôm 5/12.
Khuyên tai gồm một miếng vàng hình lưỡi liềm phủ men, có khung vàng gắn các hạt và vòng vàng nhỏ. Họa tiết trang trí trên miếng vàng mô tả hai con chim cách điệu quanh một cái cây, tượng trưng cho cây sự sống.
Khuyên tai này nhiều khả năng có nguồn gốc từ Trung Đông và là cổ vật đầu tiên thuộc loại này được tìm thấy ở bán đảo Scandinavia. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, cổ vật niên đại 1.000 năm này có thể mang đến một bước đột phá trong quá trình tìm hiểu về người Viking và Trung Đông.
Khuyên tai vàng hiếm đến mức mới chỉ có 12 cổ vật tương tự được tìm thấy trên thế giới. Đây có thể là món quà của hoàng đế Đông La Mã cho một thủ lĩnh Viking vào thế kỷ 11, theo Peter Pentz, chuyên gia tại Bảo tàng Quốc gia Đan Mạch. Tuy nhiên, cũng có khả năng vị hoàng đế này đã tặng nó cho một người Viking Đan Mạch là cận vệ của mình.
Giữa thế kỷ 7, người Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển bắt đầu xâm lược quần đảo Anh. Thế kỷ 8, họ mở rộng lãnh thổ và cướp phá bờ biển Ireland, quần đảo Faroe, Iceland, Greenland và Normandy, đồng thời mở rộng về phía đông dọc theo bờ biển Baltic. Họ cũng xâm chiếm các tuyến đường thương mại Dnieper và Volga ở phía đông châu Âu.
Người Viking mang tiền xu bằng bạc, vàng và kho báu cướp được từ những ngôi làng, thị trấn, tu viện ven biển về quê nhà, nhưng rất hiếm khi có trang sức, theo Pentz. Điều này khiến chiếc khuyên tai trở nên vô cùng đặc biệt. Không chỉ nguồn gốc mà lý do món trang sức này bị chôn vùi ở Tây Jutland cũng là điều bí ẩn. Pentz cũng cho biết, không có di chỉ khảo cổ nào của người Viking gần địa điểm phát hiện khuyên tai vàng.
Thu Thảo (Theo Ancient Origins)