Ngân hàng Nhà nước đang tìm kế mở rộng tín dụng tại vùng Tây Bắc. Ảnh: Thanh Lan. |
Thông tin trên được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tại buổi Tọa đàm mở rộng tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho vùng Tây Bắc ngày 2/4 tại Tuyên Quang.
Khu vực Tây Bắc được đánh giá có chất lượng tín dụng lành mạnh nhưng lại gặp nhiều khó khăn và tổng dư nợ tín dụng còn ít so với cả nước. Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Tây Bắc đến cuối năm 2012 đạt 110.052 tỷ đồng, tăng 16,34% so với cuối năm 2011. Mặc dù mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trung bình của cả nước nhưng quy mô dư nợ cho vay lại rất thấp. Ông Đào Minh Tú thông tin thêm: "Huy động vốn và tạo ra nguồn vốn cho vay tại khu vực đang có biểu hiện chững lại và các doanh nghiệp vay vốn đang gặp nhiều khó khăn".
Ông Cát Quang Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho rằng giải pháp cần thiết là tăng cường sự hiện diện của ngân hàng tại khu vực này. Tại một số tỉnh, mạng lưới ngân hàng còn thưa thớt và để giao dịch gửi tiền cũng như vay vốn, người nông dân đi lại rất khó khăn.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định sẽ khuyến khích ngân hàng mở rộng chi nhánh tại Tây Bắc. Ảnh: Thanh Lan. |
Đồng quan điểm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng một trong những giải pháp để nhanh chóng đưa vốn đến với doanh nghiệp sản xuất của như các hộ nông dân tại đây là phải mở rộng hơn nữa mạng lưới ngân hàng.
"Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là chỉ hạn chế ngân hàng mở chi nhánh tại các khu đô thị còn tại khu vực miền núi như Tây Bắc thì lại khuyến khích", ông Tú nói. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng "bật đèn xanh" cho các nhà băng mạnh dạn hơn để đề xuất mở chi nhánh sau khi tự tính toán các nguồn vốn hợp lý.
Tiết lộ bên lề buổi tọa đàm, Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết ngân hàng đang xin cấp phép mở chi nhánh tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai để mở rộng mạng lưới tại các tỉnh miền núi phía Bắc. "Riêng với khu vực này, ngân hàng sẽ tập trung cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ", ông Khang cho biết.
Đây cũng được xem như cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa các doanh nghiệp ở các tỉnh khu vực Tây Bắc với Ban chỉ đạo Tây Bắc, Ngân hàng Nhà nước cũng như lãnh đạo các tỉnh. Tuy nhiên, là người chủ trì buổi tọa đàm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng những ý kiến từ các doanh nghiệp trong khu vực còn ít và dè dặt.
Đánh giá về những khó khăn của Tây Bắc, Viện phó Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho rằng Tây Bắc có 4 đặc trưng cơ bản và cũng là những khó khăn chính là trình độ phát triển thấp, không có nhiều doanh nghiệp lớn, cơ hội tiếp cận kinh doanh thấp và tỷ lệ nghèo đói còn cao. Do đó, theo ông, để giải quyết vấn đề như Tây Bắc cần phải kết hợp 3 bên là các ngân hàng thương mại, các định chế tài chính mang tính chính sách (như Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng phát triển) và tài chính vi mô.
Thạc sĩ Nguyễn Việt Thông, đại diện cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất cần có chính sách phù hợp hơn nữa để giảm lãi suất cho vay cũng như giảm chi phí cho doanh nghiệp tại đây. Theo ông Thông, để mở rộng tín dụng, nếu cần, các ngân hàng có thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cử cán bộ tư vấn, hướng dẫn họ trong quá trình lập hồ sơ vay vốn.
Khu vực Tây Bắc gồm 14 tỉnh là Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang và một số xã phía Tây các tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh của đất nước và là địa bàn sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc.
Thanh Thanh Lan