Quan điểm được nhiều nhà quản lý, nhà khoa học nêu tại hội thảo "Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực y dược và công nghệ sinh học" do Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại TP HCM, ngày 20/9.
Ông Lưu Quang Minh, Vụ phó Vụ khoa học công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị ban hành đầu năm 2023 đặt mục tiêu đưa Việt Nam có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, là trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học thuộc nhóm đầu châu Á. Ngành công nghệ sinh học được chú trọng xây dựng thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp vào GDP quốc gia. Trên cơ sở này, Bộ Khoa học và Công nghệ tham mưu Chính phủ ban hành 14 chương trình khoa học công nghệ quốc gia và 20 chương trình do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ký ban hành.
Theo ông Minh, các đề xuất nhiệm vụ được chọn để tiến hành thực hiện chưa cao do chưa đáp ứng tính ứng dụng thực tiễn, yêu cầu về liên kết ngành, vùng. Ông mong muốn được nhận được sự đồng hành của nhà khoa học, doanh nghiệp, để thực hiện thành công mục tiêu của ngành công nghệ sinh học.
Theo TS Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong giai đoạn 2005 - 2020 ngành nông nghiệp thực hiện 279 nhiệm vụ với kinh phí khoảng 36 triệu USD. "Nguồn kinh phí này chưa bằng 1/3 quy mô một tập đoàn đa quốc gia đầu tư nghiên cứu trong một năm", bà nói, song sự tham gia của các doanh nghiệp vào các đề tài nghiên cứu, phục vụ hoạt động thương mại hóa đang thiếu.
Theo bà Thủy, tại nhiều quốc gia phát triển, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ giai đoạn nghiên cứu phát triển (R&D) và các dự án khởi nghiệp. Việc mở rộng tiếp tục đưa sản phẩm nghiên cứu ra thực tiễn phải có sự tham gia của doanh nghiệp, với vai trò đầu tư cho hoạt động thương mại hóa, xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, ở Việt Nam "hiện chưa có cơ chế đặc thù đủ hấp dẫn doanh nghiệp tham gia đầu tư cho nghiên cứu". Nhiều doanh nghiệp hạn chế về quy mô nên chưa thể đảm bảo việc đầu tư cho nghiên cứu, vốn mang tính dài hạn.
Ngoài ra, theo bà Thủy hiện hành lang pháp lý cho ngành công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp chưa đồng bộ. Riêng với công nghệ chỉnh sửa gene, hiện mới chỉ quy định cho nhóm cây trồng, còn nhóm vật nuôi, vi sinh vật chưa có quy định cụ thể. Bà đánh giá, vấn đề pháp lý là một trong những trụ cột để nhà khoa học, doanh nghiệp tư duy đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ thông qua việc khảo nghiệm, kiểm nghiệm nghiên cứu để ứng dụng vào sản xuất.
GS Lê Huy Hàm, Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học giai đoạn 2021 - 2030 (KC.12/21-30) đồng quan điểm hiện doanh nghiệp ít tham gia các đề tài, do họ chưa quan tâm, đầu tư nhiều vào công nghệ. Mặt khác, theo GS Hàm, một số doanh nghiệp tham gia nghiên cứu chủ yếu với mục đích chia sẻ kinh phí nghiên cứu, chưa thật sự nhắm đến việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ. Do đó, khung chương trình KC.12/21-30 đặt mục tiêu 50% các nhiệm vụ có doanh nghiệp tham gia, trên 20% nhiệm vụ do doanh nghiệp chủ trì để thúc đẩy liên kết giữa nhà khoa học và doanh nghiệp.
TS Hoàng Hoa Sơn, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho rằng, với các ngành khác, hoạt động R&D có thể phát triển thành sản phẩm thương mại hóa. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong y tế nói chung và thuốc nói riêng cần quá trình đánh giá thử nghiệm lâm sàng, sau đó mới được cấp phép sản xuất, lưu hành. Riêng với vaccine sau khi cấp phép là tiếp tục theo dõi, kiểm tra đánh giá. Theo TS Sơn nghiên cứu thuốc mất nhiều công đoạn có thể lên tới hàng chục năm, với xác suất thành công rất thấp, chi phí đầu tư lớn. Do đó, các đơn vị nghiên cứu ngoài nguồn ngân sách được cấp, họ phải hợp tác quốc tế đề tăng thêm nguồn tài trợ nghiên cứu.
Hà An