Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Human Reproductive ngày 17/2, các nhà khoa học đã phân tích đặc điểm trên khuôn mặt của hơn 5.600 trẻ em trong độ tuổi đi học bằng hình ảnh 3D và thuật toán. Họ tìm thấy sự khác biệt giữa khuôn mặt những trẻ có mẹ uống và không uống rượu khi mang thai.
Công trình chỉ ra rằng chỉ uống 12 g rượu mỗi tuần có thể khiến cằm của thai nhi nhô ra nhiều hơn, mũi ngắn hơn, hơi hếch lên trên và vùng dưới mắt bị thụt vào một chút. Mẹ bầu uống càng nhiều rượu trong thai kỳ, những thay đổi này xuất hiện càng rõ rệt. Các đặc điểm này dường như mờ nhạt hơn theo tuổi tác. Những thay đổi trên khuôn mặt ở trẻ 13 tuổi ít nổi bật hơn so với nhóm 9 tuổi.
"Nghiên cứu của chúng tôi gợi ý rằng phụ nữ đang mang thai hoặc muốn sớm có thai nên bỏ rượu vài tháng trước khi quyết định thụ thai, hoàn toàn không sử dụng rượu bia trong thai kỳ để tránh những hậu quả đối với sức khỏe con cái", nghiên cứu nêu rõ.
Sử dụng rượu khi đang mang thai được coi là một trong những nguyên nhân gây chứng rối loạn phổ rượu ở thai nhi. Đặc trưng của căn bệnh này là các thay đổi trên khuôn mặt, vấn đề nhận thức và hành vi. Trẻ mắc hội chứng này thường có môi trên rất mỏng, da mịn giữa mũi, mắt nhỏ hơn, mũi hếch. Các em thường gặp khó khăn trong việc tập trung, ghi nhớ, học tập và giao tiếp xã hội.
"Tôi gọi khuôn mặt là 'tấm gương sức khỏe', nó phản ánh sức khỏe tổng thể của một đứa trẻ", Gennady Roshchupkin, nhà dịch tễ học tại Trung tâm Y tế Erasmus ở Hà Lan, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết.
Theo ông, việc người mẹ thường xuyên uống rượu có thể dẫn đến các hội chứng nghiêm trọng ở thai nhi.
Nghiên cứu trước đây cho thấy uống dưới 70 g rượu mỗi tuần trong thời kỳ mang thai sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc sọ mặt của trẻ sơ sinh. Trên thực tế, các chuyên gia cho biết bất kể lượng rượu ra sao, dù lớn hay nhỏ cũng có thể để lại hậu quả với trẻ.
Thục Linh (Theo Science Alert)