Khủng long bạo chúa có thể không phải động vật săn mồi đơn độc như suy đoán trước đây mà là loài ăn thịt có tập tính xã hội cao như chó sói, theo nghiên cứu công bố hôm 19/4. Các nhà cổ sinh vật học đưa ra giả thuyết trên trong quá trình nghiên cứu di chỉ chứa số lượng lớn hóa thạch khủng long bạo chúa tìm thấy cách đây 7 năm ở Đài tưởng niệm quốc gia Grand Staircase-Escalante phía nam bang Utah.
Sử dụng phân tích địa hóa xương và đá, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Arkansas xác định những con khủng long chết và bị chôn vùi ở cùng một nơi, không phải hóa thạch bị rửa trôi từ nhiều khu vực. Kristi Curry Rogers, giáo sư sinh vật học ở Đại học Macalester, cho rằng nghiên cứu này là khởi đầu tốt nhưng vẫn cần thêm bằng chứng để kết luận chắc chắn khủng long bạo chúa sống theo bầy đàn.
"Có thể chúng sống gần nhau hoặc tập trung lại khi các nguồn tài nguyên ngày càng eo hẹp trong thời kỳ khó khăn", Rogers suy đoán.
Năm 2014, nhà cổ sinh vật học Alan Titus ở Cục Quản lý đất phát hiện khu vực mỏ đá Rainbows and Unicorns bởi lượng lớn hóa thạch bên tại đó. Công tác khai quật được tiến hành liên tục từ lúc đó do diện tích của khu vực và khối lượng xương.
Mỏ đá ở Utah là mồ chôn khủng long bạo chúa lớn thứ 3 từng được phát hiện ở Bắc Mỹ, cung cấp thêm bằng chứng khủng long bạo chúa có thể sống theo đàn. Giả thuyết này ra đời cách đây hơn 20 năm khi hơn chục bộ xương khủng long bạo chúa được tìm thấy ở di chỉ tại Alberta, Canada. Một khu vực khác ở Montana cũng dấy lên khả năng khủng long bạo chúa có tính xã hội cao. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học tỏ ra hoài nghi đối với giả thuyết bởi họ cho rằng chúng không có đủ năng lực trí não để tương tác phức tạp trong bầy đàn.
Ngoài khủng long bạo chúa, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy 7 loài rùa, nhiều loài cá và cá đuối, hai loài khủng long khác và bộ xương gần như hoàn chỉnh của một con cá sấu Deinosuchus chưa trưởng thành.
An Khang (Theo Guardian)