Tại diễn đàn "Điều em muốn nói" do Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với các đơn vị tổ chức ngày 17/5, Khanh (đã đổi tên) cho biết mình vốn là học sinh giỏi, tích cực tham gia các hoạt động. Nhưng áp lực làm "con ngoan trò giỏi" trong mắt bạn bè, người thân khiến Khanh thường rơi vào trạng thái lo lắng, căng thẳng, đặc biệt trong giai đoạn học trực tuyến kéo dài. Em mất hứng thú học tập, không muốn tham gia vào các hoạt động của trường, lớp dẫn đến kết quả đánh giá không tốt.
Dù bố mẹ đã trao đổi, đưa ra nhiều giải pháp, Khanh vẫn thấy thiếu sự đồng cảm. Tại buổi chia sẻ, Khanh bật khóc trước đông người. Nữ sinh cho rằng mình may mắn khi được đến trường học trực tiếp đúng thời điểm căng thẳng tột độ, được tương tác nhiều hơn với bạn bè, nên mọi thứ dần tốt trở lại.
Không chỉ Khanh, nhiều học sinh rơi vào tình trạng tương tự sau thời gian ở nhà học trực tuyến. Cô Đỗ Trần Phương Anh, chuyên gia tâm lý Dự án "Nghiên cứu phòng chống nguy cơ tự tử thanh thiếu niên", nhận định học online kéo dài tác động rất lớn đến tâm - sinh lý học sinh. Thời gian này, những học sinh sống khép kín thích nghi nhanh hơn; trong khi, những em có nhu cầu giao tiếp cao hơn sẽ cảm thấy "sốc".
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dựa trên khảo sát 341.830 học sinh tại các tỉnh, thành, 45% học sinh gặp vấn đề sức khoẻ, bao gồm các vấn đề sức khỏe tâm lý, tinh thần, trong thời gian học trực tuyến.
Chia sẻ bên lề diễn đàn, bà Lê Thị Thảo, Phó trưởng Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết trong giai đoạn đại dịch, đơn vị này thường xuyên nhận được các cuộc gọi chia sẻ về tình trạng rối loạn sức khoẻ tâm thần ở học sinh. Trước Covid-19, trung bình mỗi năm Tổng đài tiếp nhận hơn 400.000 cuộc gọi tư vấn tâm lý tuổi học sinh, con số này tăng khoảng 50% trong thời gian qua.
"Có em gọi đến tổng đài trong tình trạng rất xúc động, bắt đầu bằng tiếng khóc khiến các nhân viên phải trấn an. Cũng có em bản lĩnh, chia sẻ câu chuyện của mình nhưng không cung cấp thông tin cá nhân do chỉ muốn có một nơi đáng tin cậy để kể nỗi lòng mình", bà Thảo chia sẻ.
Những học sinh gọi đến tổng đài 111, theo bà Thảo, đều gặp khó khăn khi bố mẹ ít lắng nghe; do bận rộn hoặc thiếu kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi... Thực tế này khiến nhiều học sinh phải tìm kiếm sự hỗ trợ bên ngoài gia đình.
Thế nhưng, nguồn lực để trợ giúp học sinh các vấn đề về sức khoẻ tâm thần đều trong tình trạng quá tải. Bà Thảo cho biết, nhân lực Tổng đài 111 hiện tại không đủ để hỗ trợ tất cả học sinh với rất nhiều vấn đề đặt ra. Có nhiều em muốn chia sẻ câu chuyện qua Zalo, fanpage nhưng Tổng đài hiện chỉ đáp ứng được qua điện thoại.
Ở trường học, hoạt động hỗ trợ tâm lý học sinh tốt hơn trong thời gian gần đây, một số trường đã có phòng tham vấn học đường. Tuy nhiên theo bà Thảo, các phòng này hoặc bị quá tải, nhất là trong các trường công lập - nơi chỉ có 1-2 cán bộ tư vấn tâm lý trên hàng nghìn học sinh; hoặc chưa phát huy đầy đủ vai trò của mình.
Nhấn mạnh người gần gũi với các em nhất là gia đình và nhà trường. Bà Thảo cho rằng phụ huynh phải tìm hiểu để nắm bắt kịp thời các vấn đề liên quan đến sức khoẻ tâm thần của con cái. Còn nhà trường cần tổ chức các diễn đàn phù hợp với từng nhóm nguy cơ, chẳng hạn diễn đàn về áp lực học tập, thi cử với học sinh lớp 9; những thay đổi từ tiểu học lên THCS cho các em lớp 6; hay thay đổi về tâm sinh lý cho học sinh khối 7-8. Tại đó, học sinh cần được thoải mái chia sẻ về những vấn đề mình gặp phải và được nghe lời khuyên từ các thầy cô, chuyên gia.