Maria muốn nuôi con bằng sữa mẹ, nhưng bé Caleb sinh sớm do cạn ối và cô không đủ sữa cho con. Sau hai tháng rưỡi cố cho con bú không thành công, Maria buộc phải dựa vào sữa bột để nuôi con.
Nhưng hai vợ chồng đang đối mặt một nhiệm vụ mới đầy khó khăn, đó là tìm mua loại sữa công thức phù hợp với cậu bé Caleb 5 tháng tuổi. Các cửa hàng, siêu thị ở Rockville, bang Maryland, hay gian hàng trực tuyến đều hết sạch sữa bột.
Maria lùng sục trên Facebook và tìm được một người trữ hàng ở New York, nên quyết định đặt mua 40 hộp. Số sữa này chắc chắn không đủ, nên Maria tiếp tục mua từ một người lạ nữa ở Tennessee. Vợ chồng cô cũng liên hệ với gia đình và bạn bè khắp nước Mỹ, nhờ họ mua giúp sữa bột.
"Không mua nổi sữa khiến tôi muốn trầm cảm", Maria vừa khóc vừa nói hôm 12/5. "Nhiệm vụ của người mẹ là nuôi con đủ ăn, vậy mà tôi không làm nổi".
Gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 cùng đợt thu hồi sữa do nhiễm khuẩn hồi tháng 2 của các nhà máy Abbott, Similac và những nhãn hiệu khác đã dẫn tới cuộc khủng hoảng sữa công thức trẻ em ở nước Mỹ. Đầu tháng 5, nguồn cung sữa bột trên cả nước thấp hơn 43% so với bình thường.
Theo Trung tâm Kiểm sát và Phòng ngừa Dịch bệnh, cứ 4 gia đình ở Mỹ thì có một gia đình nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ tới 6 tháng tuổi, nghĩa là đa số trẻ em đều phụ thuộc phần nào vào sữa công thức. Với nhiều trẻ sơ sinh, sữa công thức là nguồn thức ăn duy nhất.
Đối mặt với những kệ hàng sữa bột trống trơn trong các siêu thị, nhiều bậc cha mẹ sợ hãi và tuyệt vọng, lái xe hàng trăm km, trả giá cao và cầu xin các nhóm cộng đồng trực tuyến giúp đỡ.
Nhiều phụ huynh cảm thấy bị bỏ rơi tại thời điểm áp lực đè nặng và thiếu hỗ trợ. Có những nghị sĩ không hay con cái của cử tri trong khu vực mình quản lý thiếu sữa tới khi được hỏi. Phụ nữ luôn được khuyến cáo "cho con bú mẹ hoàn toàn", dù không phải ai cũng có khả năng này.
Có nhiều lý do khiến việc nuôi con bằng sữa mẹ không khả thi. Quy định của các công ty không cho phép người mẹ ở nhà sau sinh đủ thời gian trước khi đi làm lại. Tôn chỉ "nuôi con bằng sữa mẹ là tốt nhất" dần chuyển thành "cho con ăn sữa công thức là tốt nhất". Nhưng bây giờ, ngay cả nuôi con bằng sữa công thức cũng trở nên khó khăn.
"Sinh con đi kèm với trách nhiệm, mà giờ tôi lại không đủ khả năng nuôi con. Nó giống như khó khăn chồng chất khó khăn", Maria nói.
Với Jamie Lee Marks, cảm giác đó giống như đòn hội đồng nhắm vào các ông bố bà mẹ trẻ. Jamie sinh con trong đại dịch, khi vẫn đeo khẩu trang. Cô không được nghỉ thai sản hưởng lương vì con trai sinh vào cuối tháng 8 thay vì đầu tháng 10, thời điểm cơ quan liên bang nơi Jamia làm việc bắt đầu cho phép nhân viên hưởng chế độ này. Cô đã dùng hết phép nghỉ ốm để ở nhà chăm con trong 12 tuần, sau đó nghỉ việc vì quá tức giận.
Bây giờ, mỗi ngày cô và chồng thay nhau lái xe 40 phút đưa con trai gửi nhà trẻ, nhưng cậu bé ốm liên tục suốt 7 tuần, từ khi mọi người ngừng đeo khẩu trang nơi công cộng. Cô hy vọng bây giờ không phải quay lại làm việc tới khi con được tiêm vaccine. Cậu bé đã 20 tháng tuổi, không cần ăn nhiều sữa công thức nữa, nên Jamie tặng lại số sữa còn thừa cho người khác.
"Tôi không thể hình dung thiếu sữa bột sẽ khó khăn thế nào", cô nói. "Tôi cảm thấy những người làm cha mẹ có con dưới 5 tuổi dường như bị lãng quên".
Maria cho rằng mình vẫn "may mắn hơn nhiều người". Có những người bạn của cô chỉ được nghỉ ba tuần sau sinh, nhưng Maria được nghỉ tới 5 tháng, thêm một tuần nữa nhờ hưởng chế độ của công việc quản lý toàn thời gian.
"Một số người chọn cách nuôi con bằng sữa bột ngay từ đầu, nhưng tôi không muốn làm vậy", cô tâm sự. "Không thể cho con bú khiến tôi luôn nghĩ mình là người mẹ tồi. Giờ tôi lại càng mặc cảm vì không kiếm đủ sữa bột nuôi con".
Khủng hoảng sữa bột trẻ em ở Mỹ bắt đầu nghiêm trọng hơn trong vài tuần qua, khi 40% thương hiệu sữa bột phổ biến thường bán trong các trung tâm bán lẻ bắt đầu hết hàng từ 24/4, theo phân tích của Datasembly với hơn 11.000 cửa hàng. Chưa đầy hai tuần trước, con số này là 31% và hồi tháng 11/2021 là 11%.
Nguồn cung thiếu hụt buộc các nhà bán lẻ lớn như Walgreens, CVS và Target phải hạn chế số lượng sữa bột mà khách có thể mua mỗi lần.
Vài tháng qua, tình trạng thiếu nhân viên do Covid-19, nhu cầu mua sắm tăng lên, lệnh hạn chế được dỡ bỏ, xung đột Ukraine và các lệnh trừng phạt quốc tế cũng như tình trạng khan hiếm nhiều mặt hàng tiêu dùng đã gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng của nước Mỹ và toàn cầu.
Tình trạng thiếu sữa bột nghiêm trọng hơn khi Abbott, tập đoàn sản xuất nhãn hiệu Similac hàng đầu của Mỹ, đóng cửa một cơ sở lớn ở Michigan và thu hồi ba loại sản phẩm hồi tháng 2 vì lo ngại nhiễm khuẩn do có 4 trẻ ngộ độc, trong đó hai bé tử vong, sau khi dùng sản phẩm từ nhà máy này.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hồi tháng 3 công bố điều tra sơ bộ cho thấy cuối năm 2021, Abbott không đảm bảo điều kiện vệ sinh trong nhà máy. Sau khi có trẻ tử vong, FDA mở cuộc điều tra và phát hiện mẫu sản phẩm thu thập tại nhà máy ở Michigan âm tính với Cronobacter, loại vi khuẩn có thể khiến hai em bé tử vong. FDA cho hay đang làm việc với Abbott để mở lại nhà máy ở Michigan.
Tuy nhiên, cơ quan này đang đối mặt áp lực lớn từ các bậc cha mẹ và chính trị gia. Nghị sĩ đảng Dân chủ Rosa DeLauro cho rằng FDA phản ứng "quá chậm" trước tình trạng thiếu sữa bột.
Giới bác sĩ nhi khoa ở Mỹ cho hay sữa công thức trẻ em sản xuất ở Canada và châu Âu có tiêu chuẩn gần tương đương Mỹ. Nhưng theo truyền thống, 98% nguồn cung cấp sữa công thức cho trẻ em ở Mỹ được sản xuất trong nước. Những công ty tìm cách xâm nhập thị trường Mỹ đối mặt nhiều trở ngại, đòi hỏi đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất và nghiên cứu khắt khe mà FDA quy định.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 16/5 đưa ra hướng dẫn giải quyết khủng hoảng sữa bột, trong đó mở lại nhà máy sản xuất lớn nhất và tăng cường nhập khẩu mặt hàng này.
FDA cho hay đang soạn thảo quy định giúp các công ty sản xuất sữa ở nước ngoài vận chuyển sữa tới Mỹ dễ hơn để tăng nguồn cung cho thị trường trong nước. Những công ty có thể cung cấp lượng hàng lớn nhất, nhanh nhất, đầy đủ giấy tờ chứng minh an toàn và phù hợp với tiêu chuẩn dinh dưỡng của Mỹ, sẽ được ưu tiên. Chính sách này sẽ được duy trì trong 6 tháng, với kỳ vọng giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng thiếu sữa bột hiện nay.
Hồng Hạnh (Theo Washington Post/Time/Reuters)