Một người đàn ông quỳ xuống để xin tiền người qua đường tại thủ đô Dublin của Ireland hôm 12/11. Hệ thống tài chính của Ireland lao đao sau khi bong bóng bất động sản tại nước này nổ tung. Ảnh: AP. |
Hôm qua FED chi 7,92 tỷ USD để mua trái phiếu Chính phủ. Đây là động thái đầu tiên trong kế hoạch bơm 600 tỷ USD vào hệ thống tài chính. Trong khi đó một báo cáo của Chính phủ cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng 1,2% trong tháng 10 - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3.
Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều do giới đầu tư lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm lượng tiền bơm vào nền kinh tế trong bối cảnh kế hoạch bơm tiền bị nhiều nước chỉ trích mạnh mẽ. Chỉ số Nasdaq và S & P 500 lần lượt giảm 0,17% và 0,12%, song chỉ số Dow Jones tăng nhẹ 0,08%.
Cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu lại trở thành tâm điểm chú ý của dư luận với khoản thâm hụt ngân sách của Ireland đang ở mức báo động. Hệ thống tài chính của Ireland cũng đang ở trong tình trạng nguy hiểm sau khi bong bóng bất động sản tại nước này nổ tung khiến chính phủ phải hỗ trợ tài chính cho 5 ngân hàng lớn. Mặc dù vậy, chính phủ Ireland khẳng định họ không cần sự hỗ trợ tài chính của EU giống như Hy Lạp.
Thủ tướng Hy Lạp cáo buộc Đức làm cho cuộc khủng hoảng nợ trở nên tồi tệ hơn bằng cách theo đuổi quan điểm khắt khe đối với những nước vay tiền Liên minh châu Âu. Sự căng thẳng giữa Đức và Hy Lạp cùng với tình hình tài chính của Ireland, Bồ Đào Nha sẽ gia tăng áp lực lên các bộ trưởng Tài chính châu Âu khi họ gặp nhau tại thành phố Brussels hôm nay trong cuộc họp hàng tháng. Giới phân tích nhận định nội dung của cuộc họp sẽ là: Liệu các nước yếu có thể quản lý được khủng hoảng nếu không vay được tiền từ EU ?
Mặc dù vậy, các thị trường chứng khoán châu Âu đồng loạt đi lên nhờ báo cáo về mức tăng trưởng doanh số bán lẻ tại Mỹ. Chỉ cố FTSE của Anh tăng 0,5%, còn CAC-40 của Pháp và DAX của Đức lần lượt nhích thêm 0,9% và 0,8%.
Kinh tế Nhật Bản tăng tốc trong ba tháng gần đây nhờ mức chi tiêu mạnh mẽ của người tiêu dùng. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định đây chỉ là hiện tượng tạm thời và đà tăng trưởng sẽ giảm do xuất khẩu chững lại và xu hướng tăng giá của đồng yen.
Bất chấp nhận định bi quan đó, sắc xanh vẫn tràn ngập thị trường chứng khoán Nhật Bản, với chỉ số Nikkei 225 lấy thêm 1,1%.
Tại các thị trường châu Á khác, xanh cũng là màu chủ đạo. Chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng của Trung Quốc lấy thêm 1% và 0,8%, còn Kospi của Hàn Quốc tăng gần 0,1%. Trong khi đó chỉ số S&P/ASX 200 của Australia mất 0,1%.
Các ngân hàng lớn của Trung Quốc bắt đầu ngừng cho vay đối với các công ty xây dựng bất động sản do chính phủ tìm cách khống chế lượng tiền đầu tư vào bất động sản và tình trạng tăng giá nhà, đất.
Hàn Quốc nhất trí nội dung dự thảo hiệp định tự do thương mại với Peru trong bối cảnh một hiệp định tương tự với Mỹ vẫn đang được thương thảo. Đây là một bước tiến nữa của Hàn Quốc trong chiến lược tự do hóa thương mại đầy tham vọng.
USD tăng giá hôm thứ hai liên tiếp do giới đầu tư tin rằng Ireland sẽ tìm kiếm sự trợ giúp của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) để chống chọi tình trạng nợ công đang ở mức báo động. Giá trị của đồng Mỹ kim cũng tăng hồi tháng 5 khi EU cho Hy Lạp vay tiền. Vàng vẫn giữ nguyên mức giá 1.368,4 USD/ounce, còn giá dầu giảm 0,44% xuống còn 84,42 USD/thùng.
Minh Việt