Ngoài khơi bờ biển tỉnh Ehime là Aoshima, đảo mèo nổi tiếng nhất của Nhật Bản. Dù không có cửa hàng hay khách sạn nào, Aoshima lâu nay vẫn là điểm đến thu hút những du khách muốn tìm hiểu về cộng đồng hẻo lánh, nơi mèo nhiều hơn người.
10 năm trước, trên đảo có khoảng 200 con mèo hoang sinh ra từ đàn mèo do ngư dân đem theo để bắt chuột trên thuyền. Bà Naoko Kamimoto, cư dân địa phương, cho biết số lượng mèo trên đảo hiện còn gần 80 con, tất cả đều trên 7 tuổi và một phần ba đang mắc nhiều chứng bệnh do sinh sản cận huyết suốt hàng chục năm.
"Con nào biến mất là tôi biết ngay. Những con mèo không xuất hiện trong khoảng một tuần đồng nghĩa với đã chết, nên chúng tôi sẽ đi tìm xác để chôn cất", bà Naoko, 74 tuổi, cho hay.
Ngoài tình trạng sức khỏe suy giảm, đàn mèo trên đảo cũng đối mặt nguy cơ không người chăm sóc trong những năm tới, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang tác động tới hàng nghìn cộng đồng dân cư vùng nông thôn và biển đảo ở Nhật Bản.
Sau Thế chiến II, trên đảo có gần 900 người sinh sống. Con số này giảm xuống còn 80 người vào thời điểm năm 2014, bởi những ngư dân lớn tuổi đã cùng gia đình chuyển về đất liền sinh sống. Hiện nay chỉ còn 4 người sống trên đảo là vợ chồng bà Naoko và một cặp vợ chồng khác.
"Tôi không tính chuyện 5-10 năm nữa. Chúng tôi sống ngày nào biết ngày đó. Rồi sẽ tới lúc không còn cả người lẫn mèo. Tất cả những gì chúng tôi làm được bây giờ là chăm sóc lũ mèo chừng nào còn ở đây", bà Naoko nói.
Chính quyền địa phương hồi năm 2018 triệt sản mèo hàng loạt để chuẩn bị cho kịch bản toàn bộ cư dân rời đảo. Kiichi Takino, thành viên Hiệp hội Bảo vệ Mèo Aoshima, tổ chức phi chính phủ giám sát phúc lợi động vật, nói rằng không có mèo con sinh ra từ đó tới nay.
"Chúng tôi đang cố phòng ngừa tình huống xấu nhất. Tình hình trên đảo sẽ vượt tầm kiểm soát nếu quần thể mèo gia tăng nhưng dân số tiếp tục giảm", ông Takino nói và ví hòn đảo như nhà dưỡng lão cho mèo.
Vợ chồng bà Naoko vẫn khỏe mạnh nhưng không có gì đảm bảo họ sẽ sống trên đảo Aoshima đến cuối đời, do nơi này không có cơ sở y tế.
"Nếu hòn đảo không có cư dân và vẫn còn mèo, các nhóm tình nguyện và cá nhân sẽ tận lực nhận nuôi chúng. Thật buồn, nhưng tôi nghĩ người trên đảo sẽ biến mất trước mèo. Hòn đảo có gần 400 năm lịch sử nhưng rồi sẽ trở thành đảo hoang. Điều tốt nhất chúng tôi làm được là cố hết sức để chăm sóc lũ mèo", ông Takino cho hay.
Fumiko Ono, giáo sư khoa thú y thuộc Đại học Khoa học Okayama, cho biết không có giải pháp nào khả dĩ hơn triệt sản đàn mèo. "Đây là lựa chọn tốt nhất trước thực trạng già hóa và suy giảm dân số trên đảo", bà nói.
Dấu hiệu suy tàn của đảo Aoshima thể hiện rõ qua những ngôi nhà vắng bóng người, luôn trong tình trạng mục nát. Ngôi đền Shinto, nơi ngư dân trước đây thường tới cầu nguyện mỗi lần ra khơi, cũng im ắng một cách kỳ lạ.
Mỗi ngày có hàng chục du khách đến đảo bằng phà, họ có một tiếng để khám phá và chơi cùng lũ mèo tại khu vực chỉ định. Vào buổi chiều, họ trở về đất liền trên chuyến phà thứ hai và cũng là cuối cùng trong ngày.
Bà Naoko, người được gọi là "mẹ mèo", cho đàn mèo ăn hai lần mỗi ngày, uống thuốc và quan sát chúng chơi đùa với du khách. "Người ta xem ảnh trên mạng, nghĩ rằng lũ mèo bị bỏ bê nhưng không phải. Một số con bị mù, số khác có vẻ gầy gò, còn nhiều con vẫn bình thường. Đây là thực trạng với động vật hoang dã ở nơi như thế này", bà nói.
Dù yêu quý mèo, vợ chồng bà Naoko vẫn không cho chúng vào nhà. "Chúng tôi coi lũ mèo như thú cưng, nhưng chúng có lãnh thổ riêng và chúng tôi cũng thế. Chúng rụng lông khắp nơi", ", ông Hidenori, 74 tuổi, nói.
Mỗi lần ông Hidenori trở về sau chuyến đánh bắt cá, đàn mèo lại mò tới gần và nằm cuộn tròn trong bóng râm giữa các ngư cụ. "Aoshima không phải điểm tham quan hay công viên chủ đề mèo. Đây vẫn là hòn đảo đang sống, đang thở", bà Naoko cho hay.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)